Việc người bị tạm giữ, tạm giam được gặp thân nhân quy định ra sao, rồi quyền nhận hàng cũng phải quy định rõ. “Quyền tiếp cận thông tin đối với người bị tạm giữ, tạm giam được tiếp cận ở mức độ nào? Họ có quyền được gọi điện thoại ra ngoài không? Họ được nhận và gửi thư ra ngoài không, lộ trình giải quyết như thế nào phải làm rõ” - ông Phước nói.
Về tiếp cận thông tin đời sống xã hội của người bị tạm giữ, tạm giam, ông Ksor Phước nêu một ví dụ, một doanh nhân bị tạm giữ 5 ngày không ký được văn bản, dẫn đến doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Vậy trường hợp này được xem xét, xử lý thế nào, luật quy định thế nào đảm bảo quyền công dân cho họ?
Về việc cùm chân người bị tạm giữ, tạm giam, theo ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự luật cần cân nhắc, vì những người này chưa phải là người có tội, quyền của họ phải được bảo đảm, pháp luật bảo vệ sức khỏe cho họ.
Giải trình thêm, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật) cho biết, việc cùm chân không ảnh hưởng đến quyền công dân, hiện nhiều nước vẫn đang thực hiện.
Theo Thượng tướng Vương, đối tượng đặc biệt nguy hiểm như giết người khi bị bắt mới phải cùm chân và cùm một chân. Việc này sẽ tránh việc đối tượng chống đối lực lượng chức năng hoặc tìm cách tự sát.
Thượng tướng Lê Quý Vương cũng đề cập một khó khăn khi tạm giữ, tạm giam đối với người chuyển giới, người đồng tính. “Hai người đồng tính giam chung với nhau là không ổn. Ngoài ra cũng rất khó xử với những trường hợp người chuyển giới” - tướng Vướng nói.