PGS-TS lịch sử Phạm Xanh khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên NTNN về đóng góp của giai cấp nông dân trong Cách mạng tháng Tám.
Theo PGS, vai trò và sự đóng góp của giai cấp nông dân có ý nghĩa ra sao trong thành công của Cách mạng tháng Tám 70 năm trước?
Biểu tình cướp chính quyền ngày 19.8.1945 tại Phủ Khâm sai Bắc Kỳ. Ảnh: T.L
- Như chúng ta đều biết, trong Cách mạng tháng Tám, cơ sở của Đảng ta thường đóng ở vùng nông thôn. Theo tôi, đây là yếu tố có vai trò quan trọng trong tổng khởi nghĩa. Trước hết, nông thôn là nơi che giấu, nuôi dưỡng an toàn nhất các đảng viên, những người hoạt động cách mạng của ta. Bên cạnh đó, nông dân chính là đội quân có xung lực cực lớn. Khi Đảng ta tiến hành tổng khởi nghĩa tháng 8.1945, có rất nhiều hình thái khác nhau, nhưng hình thái quan trọng nhất là từ nông thôn, khi giai cấp nông dân đã kéo về giành chính quyền ở thành phố. Đây là hình ảnh thể hiện vai trò quan trọng của nông dân dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc của Đảng.
Đảng ta đã phát huy sự đoàn kết dựa trên lòng yêu nước của giai cấp nông dân như thế nào trong Cách mạng tháng Tám, thưa PGS?
- Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám gắn liền với nông dân, khi nói đến nhân dân Việt Nam thì có tới 90% là nông dân (thời điểm đó). Vì vậy, tôi khẳng định: Sức mạnh của dân tộc được Đảng khơi dậy chính từ giai cấp nông dân. Nông dân là giai cấp chiếm đại đa số từ xưa đến nay vì nước ta là một nước nông nghiệp. Nông dân có vị trí rất quan trọng trong việc giành và giữ độc lập dưới mọi chính thể. Có thể nói, chủ nghĩa yêu nước là truyền thống quý báu của nông dân Việt Nam và Đảng ta từ khi ra đời và khơi dậy và gìn giữ, phát huy chủ nghĩa này.
Chủ nghĩa yêu nước của nông dân Việt Nam được thể hiện rõ trong tổng khởi nghĩa giành chính quyền và khẳng định toàn vẹn lãnh thổ trong Cách mạng tháng Tám. Cuộc tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám như một kiểu hiệu ứng dây chuyền đô-mi-nô. Con thứ nhất đổ ở Hà Nội ngày 19.8.1945 thì đến con thứ hai đổ ở Huế ngày 23.8. Tiếp đó ở Sài Gòn ngày 25.8 và nơi giành chính quyền muộn nhất theo lịch sử của ta thừa nhận bây giờ là ở Hà Tiên ngày 28.8. Trải dài từ Bắc tới Nam, thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám là biểu hiện trung thực, sâu sắc về truyền thống yêu nước của giai cấp nông dân, có đóng góp cực lớn để Đảng ta hợp pháp hóa thành quả cách mạng bằng Tuyên ngôn Độc lập của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đọc ngày 2.9.1945 tại Quảng trường Ba Đình.
Trong Cách mạng tháng Tám, ngoài vai trò của nông dân, Đảng ta đã thành công khi chọn đúng và tận dụng triệt để thời cơ. PGS đánh giá thế nào về điều này?
" Trong Cách mạng tháng Tám, giai cấp nông dân đã có đóng góp rất lớn vào thành công của tổng khởi nghĩa. Hiện nay, cần có thật nhiều nghiên cứu, hội thảo lớn để tìm ra biện pháp thích hợp phát huy sức mạnh của nông dân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước”. |
- Trong một tham luận cách đây khoảng 5 năm có tựa đề “Thời cơ trong Cách mạng tháng Tám- Bài học đi cùng năm tháng”, tôi đã khẳng định Đảng ta biết phát hiện, chọn và phát huy tối đa thời cơ được đánh giá là “nghìn năm có một” để tiến hành tổng khởi nghĩa.
Thời cơ ấy là việc Nhật đảo chính Pháp vào đêm 9.3.1945 và sau đó phát xít Nhật đầu hàng đồng minh. Nhưng đó là thời cơ chung và cũng giải thích vì sao trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, chỉ có Việt Nam tận dụng được thời cơ trong khi các nước khác như Indonesia, Trung Quốc không tận dụng được.
Bên cạnh đó, vào thời điểm ấy, Bác Hồ đang hoạt động cách mạng ở Tân Trào (Tuyên Quang) bên cạnh một nhóm lính gọi là lính đồng minh. Tốp lính này có máy nổ, điện báo và radio. Chúng ta có thể hình dung để hiểu rõ hơn, trong rừng sâu Việt Bắc lúc đó, có một phương tiện để liên lạc, nắm bắt tình hình thế giới bên ngoài như radio là rất quý. Bác Hồ là người thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp nên qua radio, nghe các bản tin của Reuters, Bác đã nghe được tin Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng đồng minh. Đây là thông tin trùng khớp với thông tin do Ban chấp hành Trung ương Đảng nắm được, từ đó tạo thời cơ để ta tiến hành tổng khởi nghĩa.
Theo những bước ngoặt lịch sử, trong thời kỳ đổi mới, với đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước, theo PGS vai trò của nông dân hiện nay cần được thể hiện ra sao?
- Tôi khẳng định: Chúng ta đang nhấn mạnh quá nhiều đến vai trò to lớn của nông dân, thậm chí là nói quá nhiều đến sự tích cực mà chưa đề cập thẳng thắn, cụ thể vào những hạn chế. Theo quan điểm của tôi, giai cấp nông dân Việt Nam gồm những người sản xuất nhỏ, gọi là tiểu nông. Từ nghìn đời nay, người nông dân vẫn sản xuất theo phương thức ấy nên đã hình thành tâm lý tiểu nông. Tâm lý này chính là sự cản trở tới quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tâm lý tiểu nông ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch và đây là điều cần khắc phục.
Trước đây, trong kháng chiến, nông dân đã chứng tỏ được lòng yêu nước, sức mạnh, sự dũng cảm. Bây giờ, trong thời đại mới, nông dân cần được trang bị thêm tri thức, tầm nhìn và tâm lý để hướng tới sự phát triển mạnh mẽ hơn.
Xin cảm ơn PGS!
3 bài học về xây dựng thủ đô Hà Nội Ngày 17.8, tại Hội thảo khoa học “Thủ đô Hà Nội: Truyền thống, nguồn lực và định hướng phát triển”, GS-TS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhấn mạnh về 3 bài học có ý nghĩa trong xây dựng và phát triển thủ đô. Bài học thứ nhất là về tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo, có trách nhiệm cao trong công tác lãnh đạo của Đảng. Ở thời khắc quyết định nhất, nếu Thành ủy Hà Nội và Xứ ủy Bắc Kỳ không chủ động chớp thời cơ, đi tới quyết định tổng khởi nghĩa, rất có thể cách mạng sẽ gặp nhiều khó khăn, không chỉ ở Hà Nội mà trên phạm vi toàn quốc. Bài học thứ hai, theo GS-TS Tung là về sự gắn bó máu thịt giữa Đảng tiên phong và quần chúng nhân dân. Không có sự che chở, ủng hộ của nhân dân Hà Nội và vùng phụ cận thì T.Ư Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội không thể xây dựng thành công ATK. Cũng chính nhờ sự hậu thuẫn to lớn của lực lượng cách mạng, của quần chúng mà ta đã thực hiện thành công cuộc đấu tranh ngoại giao để vô hiệu hóa hơn 1 vạn quân Nhật. Bài học thứ ba là bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp. Các nghiên cứu đã chỉ ra: Thắng lợi to lớn, trọn vẹn của tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội là kết quả của sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang và đấu tranh ngoại giao, giữa lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, giữa lực lượng của giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân khác. Đó là sức mạnh của khối đại đoàn kết của nhân dân trên nền tảng của khối liên minh công- nông, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Long Nguyên |