Bởi giải tỏa, hay trấn an sao được khi một Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo “khuyên” các cháu thí sinh “không muốn vất vả thì đừng rút hồ sơ”.
Và, ngay cả khi tư lệnh ngành giáo dục cho kỳ thi lần này là “đổi mới cần thiết” trong tương quan giữa “thành quả học tập” và “mặt bằng chung”, dư luận vẫn có ý kiến - không phải là không có lý - khi nhắc đến phát biểu của PGS Văn Như Cương: "Tôi có thể khẳng định rằng, kỳ thi này cùng với những đề án sau đó sẽ thất bại một cách toàn diện. Nếu cứ tiếp tục thực hiện cách thức này cho các năm sau nữa thì nền giáo dục Việt Nam sẽ thất bại một cách thảm hại".
Đổi mới là cần thiết hay thất bại toàn diện, thất bại thảm hại - rõ ràng đang phản ánh hai cách nhìn nhận ngược nhau 180 độ mà khó có thể nói đúng sai chỉ sau một kỳ thi đổi mới.
Và không thể không nhắc lại hai chữ trong một phát biểu nổi sóng của một học sinh 14 tuổi- một sản phẩm của nền giáo dục. Hai chữ đó là “thối nát”- những tưởng là từ mà một học sinh 14 tuổi còn chưa bao giờ phải nghe.
Nhưng nói một cách công bằng, những vấn đề của ngành giáo dục- ví dụ ngay bằng sự tồn tại của tới 2 kỳ thi quốc gia gần như ngay sát nhau suốt bao năm qua- đã đến lúc cần phải thay đổi, dù sự thay đổi có tính cách mạng là bỏ một kỳ thi hoặc “cần thiết” hoặc “thất bại thảm hại”. Bởi rất đơn giản, nếu không có thay đổi thì sẽ không có cả thành công cũng chẳng có thất bại. Rất đơn giản, không có cách mạng, có nghĩa là chẳng có thay đổi gì!
Tất nhiên, phải nói đến hai chữ “giá như”.
Giá như ngay từ đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẳng thắn rằng việc bỏ một kỳ thi không đồng nghĩa là mở toang cánh cửa vào đại học. Rằng đổi mới đến đâu thì vẫn có 500.000-600.000 thí sinh trượt đại học. Không có kỳ vọng hão huyền thì sẽ tránh được bức xúc, thất vọng.
Giá như lộ trình của đổi mới không gấp đến mức ngay cả các trường cũng “rối loạn”.
Nhưng vạn sự khởi đầu nan. Có lẽ thời gian sẽ khẳng định rằng việc đổi mới bằng cách “bỏ quách đi một kỳ thi” sẽ không thể là “thất bại thảm hại”. Bởi đó là một cách mạng, cũng như việc sau vài chục năm tồn tại, lần đầu xuất hiện một chỉ thị về việc học sinh không phải làm bài tập về nhà. Lần đầu tiên bỏ chấm điểm học sinh lớp 1.
Huống chi, việc thầy Bộ trưởng, thay vì “một nhân vật ủy quyền”, xuất hiện trên truyền hình để giải đáp những vấn đề nóng bỏng gai góc nhất, thì ít nhất dư luận cũng thấy trong đó sự cầu thị.