Dân Việt

Tiền ít, thợ ẩu sẽ khiến di tích bị lai căng

Mỵ Lương 18/08/2015 08:04 GMT+7
Cuộc tọa đàm “Di sản làng xã còn và mất trong lòng nhân dân” đã ghi nhận rất nhiều ý kiến nhiệt huyết của các chuyên gia trong việc cứu di sản. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng còn sẵn lòng đứng ra truyền dạy miễn phí cho đội ngũ làm công tác tu bổ...

Thợ kém dẫn đến sai lệch

Khi xã hội ngày càng phát triển, nhìn lại những di sản làng xã thì không ít người giật mình, xót xa nuối tiếc khi nhiều ngôi đình, chùa có giá trị kiến trúc, điêu khắc, văn hóa, lịch sử truyền thống đã và đang bị bỏ quên, có nguy cơ biến mất. Nhiều di tích bị xâm hại, trùng tu sai, biến dạng, kém hiệu quả... Đó chính là lý do để tọa đàm “Di sản làng xã còn và mất trong lòng nhân dân” được tổ chức vào chiều 16.8, một hoạt động trong chuỗi các sự kiện của chương trình “Đình làng Việt- Những điều còn mất” đang diễn ra tại Hà Nội. 

img

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu trao đổi tại tọa đàm “Di sản làng xã còn và mất trong lòng nhân dân”. Ảnh: Mỵ Lương

Chia sẻ trong buổi tọa đàm, anh Trần Ngọc Đông-  người đến từ làng Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) bày tỏ: “Tại chùa Kính Phúc quê tôi, khi tiến hành trùng tu phần mộc ngõa, sẽ tiến hành thay thế tượng Phật. Số lượng là 19/32 tượng cổ bằng đất sét nện trong chùa được thay thế bằng tượng gỗ mới mua ở Sơn Đồng, Hà Nội về. Họ còn mua thêm tượng vốn chưa từng có trong chùa như tượng Bạch y Quan âm. Điều đó khiến tôi cảm thấy bàng hoàng, đau xót khi nhìn những pho tượng Phật từ thời nhà Lê bị thay thế mà không có cách nào ngăn cản được”.

Đâu là nguyên nhân khiến việc trùng tu, xây dựng di sản làng xã hiện nay hầu hết không đem lại hiệu quả thiết thực? Nhìn nhận về vấn đề này, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đánh giá: “Nước ta thiếu kinh nghiệm về mặt trùng tu di tích và chưa có thợ chuyên nghiệp thực hiện. Khâu đào tạo thợ làm công việc trùng tu di tích cổ rất quan trọng, bởi chất lượng của những công trình do bàn tay những người thợ tạo nên. Việc định mức tiền công người thợ trùng tu nghệ thuật cần phải rõ ràng. Nếu chỉ dùng số tiền ít thuê thợ tồi chứ không bỏ ra số tiền lớn để thuê thợ tốt sẽ dẫn tới việc thợ không có trình độ làm sẽ ẩu. Thợ không hiểu biết về văn hóa, mỹ thuật sẽ dẫn đến tình trạng làm di tích xuất hiện sự lai căng”.

 Trong những năm gần đây, nhiều công trình di tích được người dân địa phương xây dựng trong khuôn viên rộng lớn với  kinh phí đầu tư “khủng” gây ra sự lãng phí trong khi chưa đảm bảo được giá trị văn hóa truyền thống vốn có. Thực tế vẫn còn tồn tại những công trình được xây dựng không nằm trong tính chỉnh thể nhất định của dự án. “Xây dựng thêm phần phụ to hơn rất nhiều lần phần chính chỉ để có thêm khoản tiền “phần trăm” với những người thực hiện dự án. Xây dựng di tích để bòn rút tiền của của Nhà nước, thực chất là tiền của nhân dân” - ông Phan Cẩm Thượng khẳng định.

Có một thực tế nữa là việc thay thế những hiện vật trong đình chùa khiến giá trị những di tích này không còn nguyên vẹn như ban đầu. “Tôi nghĩ không nên bổ sung bất cứ cái gì mới như dựng thêm bia, đưa thêm tượng vào đình, chùa. Bởi chúng ta không có phong cách nghệ thuật, không có tâm hồn như người ngày xưa và không có văn hóa của thời phong kiến vì các di sản tính đến hết thời phong kiến” - ông Thượng nhấn mạnh.

Phải có ưu đãi thợ tốt

" Nếu chỉ dùng số tiền ít thuê thợ tồi chứ không bỏ ra số tiền lớn để thuê thợ tốt sẽ dẫn tới việc thợ không có trình độ làm sẽ ẩu. Thợ không hiểu biết về văn hóa, mỹ thuật sẽ dẫn đến tình trạng làm di tích xuất hiện sự lai căng”.
Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng

Đến với buổi tọa đàm, ông Nguyễn Viết Lăng (71 tuổi) hiện tham gia sinh hoạt trong đình Cổ Nhuế (Hà Nội) cho hay: “Giữa lòng thành phố ồn ào, nhộn nhịp lại diễn ra cuộc triển lãm về đình làng vốn mang tính chất của người dân nông thôn, rất thú vị và bổ ích. Bản thân tôi gắn bó với đình làng từ thuở lọt lòng nên đến dự tọa đàm để mong biết cách giữ gìn vốn quý của quê hương không bị mai một”.

Làm thế nào để việc trùng tu, xây dựng di sản làng xã đi đôi với việc gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu của người Việt? Đây vẫn là câu hỏi khiến các chuyên gia, và những người dân luôn trăn trở. Theo TS Trần Hữu Sơn- Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: “Việc xây dựng, trùng tu đình làng phải để cho dân góp phần nào giá trị để họ thấy được vốn chung của cộng đồng và cần phải giữ gìn. Theo đó, cần phải sửa đổi chính sách trong các khâu trùng tu công trình di sản làng, xã. Người thợ làm kiến trúc nghệ thuật phải nhận được ưu đãi hỗ trợ theo một chính sách khác vì họ có tay nghề riêng do cha ông để lại. Đồng thời, người làm công tác quản lý cần có vốn hiểu biết về văn hóa của từng vùng”.

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng đề xuất: “Tôi mong rằng Bộ VHTTDL sẽ lập ra các cơ sở giáo dục để đào tạo ra những người thợ có trình độ mỹ thuật và hiểu về văn hóa, hiểu biết về lịch sử. Chúng tôi sẵn sàng tham gia truyền dạy miễn phí những lớp học như vậy. Đồng thời, thay vì những  luận văn tiến sĩ về đình chùa dài dòng, lý thuyết sáo rỗng không giải quyết được vấn đề, nên có nhiều tác phẩm nghiên cứu về truyền thống, văn hóa một cách thích đáng. Cần khuyến khích tạo ra những đề tài mà người làm công tác trùng tu làm được”.