Dân Việt

"Xé rào" liên tục làm mỗi năm 3 vụ lúa: “Vắt” đất đến kiệt sức

Tấn Kiên 18/08/2015 17:00 GMT+7
Thay vì trồng lúa theo công thức “3 năm, 8 vụ”, tại nhiều nơi ở tỉnh An Giang đã “xé rào” khi mỗi năm làm tới 3 vụ lúa khiến đất đai nhiều nơi đang bị cạn kiệt nguồn dinh dưỡng nghiêm trọng, bởi hàng năm không được bồi lắng lượng phù sa cần thiết.

“3 năm, 8 vụ” vẫn chưa đủ

Cứ đến mùa nước nổi, nhà nông An Giang lại xôn xao câu chuyện xả lũ. Đây đó lại tổ chức họp dân lấy ý kiến xem có xả lũ hay không. Lý do phải họp dân cũng là vì “rào cản 3 năm 8 vụ”. Ngay cả UBND tỉnh An Giang cũng có ít nhất 2 quyết định về mùa vụ sản xuất lúa trong các tiểu vùng đê bao, trong đó có quy định “3 năm 8 vụ”. Cụ thể, ở những diện tích làm lúa 3 vụ, phải thực hiện định kỳ 3 năm xả lũ một lần. Nghĩa là thay vì 3 năm làm 9 vụ thì sẽ bỏ 1 vụ để xả lũ cho nước tràn đồng (thành ra 3 năm 8 vụ).

img

Bất chấp khuyến cáo, nhiều nông dân vấn xé rào xuống trồng lúa vụ 3 trong vùng đê bao. Ảnh chụp tại xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn (An Giang). Ảnh: Trọng Bình

Để đưa ra các quyết định “rào cản 3 năm 8 vụ”, tỉnh An Giang cũng đã tổ chức nhiều hội thảo về ý nghĩa, lợi ích của việc cho nước lũ tràn đồng. Ông Đoàn Ngọc Phả - Phó Giám đốc Sở NNPTNT An Giang cho rằng: “Nước lũ mang nhiều phù sa, lượng phù sa này sẽ ngưng tụ đáng kể trên đồng ruộng trong 3 tháng mùa nước nổi tràn qua đồng ruộng. Mặt khác, cho nước lũ tràn đồng, đất ngâm trong nước sẽ giúp ngăn nhiều mầm bệnh; đồng thời 3 năm sản xuất liên tiếp thì lịch thời vụ (đông xuân – hè thu – thu đông) bắt đầu bị xê chạy, nên cứ 8 vụ liên tục ngưng 1 vụ thì sẽ cân bằng lại lịch thời vụ”.

Một số lão nông cũng rất đồng tình việc xả lũ cho đất lấy phù sa. Lão nông Trấn Văn Ngôn ở ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh, TP.Long Xuyên cho rằng: “Đồng ruộng cũng cần phải được “tắm rửa, nghỉ ngơi”. Đành rằng tăng vòng quay của đất để tăng thu nhập trên cùng một diện tích là giải pháp lý tưởng nhưng đất cũng phải được nghỉ ngơi, 3 năm 8 vụ là vừa. Phải cho đất lấy phù sa thì đất mới “thọ” theo thời gian, không bạc màu, xuống chất”.  

99% số nông dân không muốn xả lũ?

"  Nói về lợi-hại của mùa nước nổi đối với ruộng đồng cũng như lợi ích của việc xả lũ cho đồng ruộng (nằm trong đê bao) thì còn nhiều ý kiến này nọ... Tuy nhiên cho đến hiện nay, tỉnh An Giang vẫn giữ chủ trương 3 năm 8 vụ và chưa có thay đổi gì về quy định này”.
Ông Đoàn Ngọc Phả

Quy định “3 năm 8 vụ” ra đời từ năm 2007, nhưng từ đó đến nay rất ít diện tích lúa trong vùng đê bao thực hiện xả lũ theo đúng quy trình “3 năm 8 vụ”. Nghĩa là địa phương nào cũng “xé rào” làm 3 vụ lúa liên tục. 

Theo Sở NNPTNT tỉnh An Giang, chỉ trừ có huyện Phú Tân mỗi năm xả lũ khoảng trên dưới 7.000ha, hầu như huyện nào cũng làm “tuốt tuồn tuột” 3 vụ lúa liên tục.

Nguyên nhân chính là vì huyện nào cũng muốn tăng nguồn thu ngân sách. Thứ nữa, đa số nông dân còn quan niệm cục bộ cho rằng, thêm một vụ nữa dù lãi nhiều hay ít cũng vẫn hơn bỏ không (xả lũ vào). Nhiều nơi trong tỉnh, khi lấy ý kiến, có đến 99% số nông dân không đồng ý xả lũ.

Vậy là toàn tỉnh An Giang (chỉ trừ huyện Phú Tân), còn lại hàng trăm tiểu vùng đê bao với hàng trăm ngàn ha đất đều sản xuất lúa 3 vụ liên tục từ 9 năm nay. Theo thống kê chưa đầy đủ Chi cục Thủy lợi An Giang, vụ thu đông (vụ 3) năm 2015, tỉnh An Giang có 400 tiểu vùng đê bao với tổng diện tích lúa vụ 3 theo kế hoạch xuống giống là trên 152.600ha. Trong khi gần như toàn bộ diện tích này đều đã đến kỳ phải xả lũ theo quy định “3 năm 8 vụ”. Tuy nhiên kế hoạch xả lũ mà các địa phương báo về chỉ có trên dưới 10.000ha, tập trung ở huyện Phú Tân (gần 7.000ha).

Theo tìm hiểu của NTNN, việc “xé rào” này được thực hiện nghiễm nhiên vì nó được “hợp thức hóa” bằng cách họp dân lấy ý kiến. Cứ đến định kỳ xả lũ, thay vì xả lũ thì chính quyền địa phương cùng ngành nông nghiệp họp dân lại đề lấy phiếu biểu quyết không xả lũ. “Chúng tôi họp dân, dân chủ và công khai. Năm nào cũng không dưới 99% số người dự biểu quyết không xả lũ để làm lúa vụ 3. Gần 9 năm nay rồi, huyện Chợ Mới không có xã lũ mùa nào” – Trưởng phòng NNPTNT huyện Chợ Mới, Nguyễn Văn Sanh cho biết. 

Về lâu dài, chất đất có thể bị ảnh hưởng

Ông Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: Hiện một số tỉnh như Long An, Đồng Tháp, An Giang là những tỉnh làm đập ngăn lũ để cấy trồng vụ 3. Cứ 2 năm hoặc 3 năm thậm chí 4 năm người dân xả lũ một lần là tùy.Họ đồng thuận làm tiếp vì lúa đang được giá. Hiện tại, chất đất không bị ảnh hưởng gì. Riêng khu vực An Giang, hiện năng suất vẫn đạt được 7,2 tấn/ha là  năng suất cao so với toàn vùng, nên hiện tại không có gì đáng lo ngại về chất lượng đất. Nhưng về lâu dài 30- 40 năm thì chất đất có thể sẽ bị ảnh hưởng, là điều cũng cần phải tính đến. 

Thanh Xuân