Anh Nguyễn Đình Cường (quê ở Đông Sơn, Thanh Hóa) đang thi công lắp đặt bệ bếp cho một gia đình ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Q.Anh
Làm ông chủ nhờ... trượt đại học
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ Thanh đầy nắng gió, gian khó, Nguyễn Đình Cường (26 tuổi, quê ở Đông Sơn, Thanh Hóa) cách đây 7 năm đã từ bỏ ước mơ học đại học chỉ bởi thiếu 0,5 điểm. Bị trượt đại học nhưng Cường không buồn, trái lại càng tăng thêm quyết tâm tự lực, vươn lên để vượt cảnh nghèo khó.
Nguyễn Đình Cường chia sẻ: “Thời gian đó, may mà em trượt đại học, nếu đỗ thì cũng chưa biết phải xử trí ra sao vì nhà em hoàn cảnh khó khăn, nhà chỉ có ít ruộng, bố mẹ quanh năm đi làm thuê mà cũng chẳng đủ ăn, lấy đâu ra tiền triệu gửi lên cho em ăn học mỗi tháng. Thế là em đã có buổi nói chuyện với bố mẹ, thật ngạc nhiên là bố mẹ em đồng ý luôn và bảo em được tự quyết định tương lai cho mình. Loay hoay mãi chưa biết làm gì, có bạn rủ đi làm thợ xây ở Hà Nội, lương cũng đủ tiêu và có thể để dành gửi về quê, nhưng em vẫn chưa đồng ý”.
Cường kể, có lần qua chơi nhà bạn, thấy làng nghề đá ở đó rất phát triển. Cường thấy các khối đá được xẻ ra, hay tạc thành các tượng rất đẹp. Vậy là lần đó Cường xin đi học nghề làm đá. Càng làm càng thấy nhiều điều lý thú về các loại đá trong và ngoài nước, được chỉ dạy những bí quyết giúp đá xẻ ra dùng bền, không bị nứt vỡ... Học được gần 2 năm, Cường tính chuyện tự làm riêng cho mình và quyết chọn Hà Nội làm nơi để phát triển. Nhờ những bí quyết chọn đá đẹp, bền chắc nên cơ sở của Cường được nhiều khách hàng hài lòng, rồi giới thiệu cho người thân.
Hiện tại, Nguyễn Đình Cường đã có một cơ sở đá ở ngoại thành Hà Nội với hơn 10 người thợ. Theo Cường, ở Hà Nội có rất nhiều công trình, nên các sản phẩm đá lát nền, ốp tường, bếp... tiêu thụ rất nhiều. Công việc bận rộn, đi khắp các công trình ở nội, ngoại thành. Bình quân thu nhập của riêng Cường mỗi tháng cũng vài chục triệu đồng. Một con số rất ấn tượng, không phải ai học đại học xong ra trường rồi đi làm từng ấy năm có thể đạt được.
Không lựa chọn con đường vào đại học để tự lập
Thành công trong nghề và xây dựng được cuộc sống gia đình ấm no, đó là trường hợp của anh Phạm Trung Tá (29 tuổi, quê ở Nam Sách, Hải Dương), hiện làm giám đốc một doanh nghiệp nhỏ ở Hà Nội chuyên về cung cấp, sửa chữa máy in, photocopy, mỗi tháng có thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng.
Tốt nghiệp cấp 3, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Tá không dự thi đại học. Theo Tá, lý do để anh không thi đại học đơn giản là muốn đi làm luôn, kiếm tiền để tự nuôi bản thân và giúp đỡ bố mẹ. Lúc đầu, Tá xin đi làm công nhân trong một khu công nghiệp ở Hà Nội. Một lần tình cờ xem thợ sửa máy in, đổ mực cho công ty, Tá chủ động xin học nghề đổ mực, sửa máy in.
“Công việc chính của tôi là đổ mực, sửa máy in, photocopy. Công việc này rất vất vả, lãi lời không được bao nhiêu, nhưng nếu chăm chỉ, siêng năng thì cũng có tiền. Công ty của tôi hiện có mấy thợ nhưng nhiều khi có khách gọi, tôi cũng chạy khắp nơi để phục vụ khách. Bên cạnh đó, tôi cũng thu mua máy in cũ, sửa chữa và bán lại cho khách với giá rẻ. Mỗi thứ một ít, nhưng mỗi tháng cũng cho thu nhập ổn định, tự nuôi sống gia đình và có cơ hội mở rộng thị trường”, Nguyễn Trung Tá chia sẻ.
Tương tự, với trường hợp của Nguyễn Thị Hạnh (ở Mỹ Đình, Hà Nội) cũng không lựa chọn con đường vào đại học mà dấn thân tự lập với hình thức bán hàng online. Hạnh chia sẻ: “Em học xong ở một trường cao đẳng, bố mẹ bắt em học liên thông lên đại học, nhưng em không thích. Học đại học cũng như cao đẳng bây giờ, ra trường rất khó xin việc. Em yêu thích kinh doanh, không có vốn thì em bán hàng trên mạng, em đi “săn lùng” các mẫu quần áo mới, đẹp rồi đưa ảnh lên trang Facebook. Ngoài ra, em còn bán thêm một số loại mỹ phẩm. Thu nhập của em hàng tháng khoảng 15 triệu đồng. Tự nuôi bản thân, lại được thỏa mãn sở thích kinh doanh”.
Có một thực tế đã chỉ ra rằng, số lượng cử nhân ra trường thất nghiệp ngày càng tăng. Trong khi đó việc các trường đại học tăng chỉ tiêu, mở thêm nhiều ngành đào tạo lại càng khiến số lượng cử nhân, kỹ sư ra trường ngày một nhiều. Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, số lượng người học đại học ra trường quá lớn so với nhu cầu tuyển dụng. Bên cạnh số đông thí sinh đặt mục tiêu duy nhất vào đại học, đã có ngày càng nhiều thí sinh từ bỏ con đường vào đại học để tìm lối đi riêng cho mình.