Ngày 18.8, trao đổi với phóng viên về diễn biến bệnh của cháu V, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, khi phát hiện, cháu V đã mắc viêm màng não mủ được 9 ngày. Bệnh nhi V nhập viện trong tình trạng sốt cao, tiêu chảy. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc viêm phổi.
Qua lời kể của gia đình, trước khi nhập viện, cha mẹ bệnh nhi đã tự ý cho dùng kháng sinh. Khi vào viện, triệu chứng của cháu V rất giống với bệnh viêm phổi. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị, bệnh nhi không những không có dấu hiệu phục hồi mà còn diễn biến nặng hơn, với triệu chứng sốc nhiễm trùng, nguy cơ tử vong cao.
Do vậy, các bác sĩ đã quyết định chọc não tủy. Kết quả cho thấy cháu V bị viêm màng não mủ, mức độ rất nặng.
Các bác sĩ cho biết, theo y văn thế giới, bệnh nhân viêm màng não mủ nếu phát hiện sớm trước 3 ngày, khả năng chữa khỏi gần như hoàn toàn, song nếu phát hiện bệnh từ sau 3 tới 7 ngày, khả năng để lại di chứng tổn thương thần kinh.
Đối với bệnh nhi V, mặc dù phát hiện bệnh 9 ngày, song nhờ phương pháp điều trị tiến bộ, đến thời điểm hiện tại bệnh nhi V đã phục hồi hoàn toàn.
Bác sĩ thăm khám lại cho cháu V.
Qua ca bệnh này, bác sĩ Dũng cảnh báo: Hiện tình trạng lạm dụng kháng sinh đã diễn ra phổ biến ở người dân. Tỉ lệ phụ huynh tự ý sử dụng kháng sinh chiếm tới hơn 90%. Nhiều phụ huynh khi trẻ mắc bệnh đã tự ý ra hiệu thuốc kể triệu trứng bệnh của trẻ, sau đó nhân viên bán thuốc kê cho vài loại kháng sinh về sử dụng.
Bên cạnh đó, hiện người dân thường sử dụng lại đơn của bác sĩ đã kê trước đó, hay học hỏi kinh nghiệm dùng thuốc của hàng xóm, hoặc dùng thuốc theo chỉ dẫn trên mạng Internet.
"Cá biệt, có phụ huynh do lười đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế nên đã tự ý "dùng tạm" kháng sinh để đẩy lùi bệnh cho trẻ, nên đã để lại hậu quả nặng nề", bác sĩ Dũng thông tin.
Bác sĩ Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai - cũng cảnh báo, việc sử dụng kháng sinh vô tội vạ của phần lớn người dân sẽ khiến việc điều trị bệnh của y, bác sĩ gặp vô vàn khó khăn do vi khuẩn đã kháng thuốc.
Ông Hùng lý giải, việc lạm dụng thuốc kháng sinh, sử dụng tràn lan không theo kê đơn của bác sĩ… sẽ khiến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng. Khi đó, sẽ tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là thuốc để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng.
Vì vậy, phụ huynh lưu ý sử dụng thuốc kháng sinh theo đơn kê của bác sĩ, không tự ý sử dụng hoặc đổi thuốc kháng sinh, hoặc bỏ dùng giữa chừng.
Bệnh viêm màng não đang vào mùa Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, hiện đang là thời kỳ cao điểm của bệnh viêm màng não. Do thời tiết nắng nóng và chuyển mùa nên trẻ rất dễ mắc bệnh. Những ngày gần đây, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị viêm màng não. Bệnh viêm màng não do não mô cầu có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, nhưng nguy cơ cao ở trẻ em và người già do sức đề kháng kém. Bệnh gây 2 bệnh lý chính là viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu, rất nguy hiểm vì có thể gây sốc, tử vong cao. Để phòng bệnh viêm màng não cho trẻ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường; chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ. Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ hoặc gáy cứng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. |