Đại tá Nguyễn Viết Phú khẳng định: Hoạt động của lực lượng Công an xã (CAX) luôn gắn liền với việc xây dựng, củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng, bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn - địa bàn chiếm gần 80% diện tích và trên 70% dân số cả nước. Luật Công an nhân dân năm 2005 quy định: CAX là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của công an nhân dân, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã. Thực tế cho thấy CAX là lực lượng trực tiếp giải quyết 80% những vấn đề về an ninh, trật tự tại cơ sở; những vụ việc lớn về an ninh, trật tự do công an cấp trên thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật thì CAX cũng là lực lượng tiếp cận từ ban đầu và phối hợp cùng công an cấp trên trong quá trình điều tra, xử lý.
Tuy nhiên, được biết hiện nay lực lượng CAX đang đứng trước khó khăn là thiếu hụt về quân số. Ông có thể cho biết lý do dẫn tới tình trạng này?
Công an xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Hồng Đức
- Vướng mắc đầu tiên cần nhắc tới là độ vênh trong chính sách.
Cụ thể, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã loại 1 được bố trí tối đa không quá 22 người, cấp xã loại 2 được bố trí tối đa không qua 20 người và cấp xã loại 3 được bố trí tối đa không quá 19 người; trong khi đó Nghị định 73/2009/NĐ-CP của Chính phủ lại quy định cụ thể khung số lượng phó trưởng CAX và công an viên (mỗi xã được bố trí 1 phó trưởng CAX. Đối với xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, xã loại 1, loại 2 được bố trí không quá 2 phó trưởng CAX; tại trụ sở hoặc nơi làm việc của CAX được bố trí không quá 3 công an viên làm nhiệm vụ thường trực; mỗi thôn được bố trí 1 công an viên; thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, xã loại 1, loại 2 được bố trí không quá 2 công an viên).
Do sự vênh nhau như vậy, UBND các cấp rất khó khăn trong việc bố trí lực lượng CAX, làm sao để vừa phải đảm bảo đúng quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2009/NĐ-CP, vừa không vượt quá số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
Chính sự không đồng bộ giữa 2 nghị định này đã gây ra khó khăn cho công tác của lực lượng CAX. Thành ra khi bố trí lực lượng CAX chúng tôi không bố trí nổi vì phải theo Nghị định 92 vì đó là quy định chung về số lượng cán bộ công chức cấp xã phường… Để giải quyết vướng mắc này, Bộ Công an đã đề nghị Chính phủ báo cáo đề xuất Quốc hội ban hành Luật CAX.
Không chỉ thiếu đồng bộ từ chính sách mà hiện nay, số người trong lực lượng bỏ ngành, rời khỏi ngành cũng không nhỏ, đúng không thưa ông?
- Chúng tôi chưa có con số cụ thể, nhưng số lượng này cũng khá lớn. Thứ nhất là số các đồng chí muốn chuyển công tác. Có thể qua những lần bầu cử tại địa phương, ai có năng lực thì được chuyển sang làm bên chính quyền như phó chủ tịch hoặc bên Đảng như phó bí thư.
Nhưng lý do nữa khiến nhiều đồng chí phải rời khỏi ngành là do phụ cấp quá thấp.
Ngoài đồng chí trưởng CAX được hưởng lương, chế độ công chức cấp xã theo ngạch bậc và trình độ đào tạo theo chuyên môn nghiệp vụ; căn cứ nguồn ngân sách của địa phương, mỗi địa phương quy định mức phụ cấp đối với phó CAX và công an viên khác nhau; hầu hết phó trưởng CAX hưởng phụ cấp 1,0 mức lương tối thiểu (1.150.000 đồng/tháng). Có khoảng 10 địa phương vận dụng bố trí phó trưởng CAX kiêm chức danh khác để hưởng chế độ như công chức cấp xã. Phụ cấp của công an viên thường trực phổ biến là từ 0,5 đến 1,0; công an viên ở các thôn, xóm, bản, làng, buôn, phum, sóc từ 0,3 đến 0,8 mức lương tối thiểu. Đó là mức phụ cấp quá thấp trong thời buổi hiện nay.
Nhưng trên hết là chế độ đối với họ không được đảm bảo. Trừ trưởng CAX, còn từ phó trưởng CAX trở xuống trước đây đều không được hưởng cả BHYT và BHXH. Một số địa phương quan tâm thì còn đóng BHYT cho lực lượng này. Đến năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 29 (2013) sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 92 (2009) có ưu việt hơn một chút là trong khoán quỹ lương do ngân sách T.Ư hỗ trợ, đã buộc các địa phương phải đóng luôn 3% BHYT cho người hưởng phụ cấp. Như vậy lực lượng CAX cũng mới có BHYT, còn BHXH vẫn chưa có.
Chính điều này khiến cho việc tuyển mới lực lượng CAX rất khó, chưa nói đến việc nhiều người đang chuyển khỏi lực lượng. Số còn lại thì có khi cũng kiêm nhiệm, nhưng chính vì thế nên chuyên môn lại không sâu, có sự lơ là, phân tán nhất định trong việc bảo vệ an ninh trật tự.
Được biết hiện nay vẫn còn tồn đọng nhiều trường hợp các đồng chí CAX hy sinh hoặc bị thương khi làm nhiệm vụ nhưng chưa được công nhận là liệt sĩ, thương binh. Vướng mắc ở đâu, thưa ông?
"Thực tế, việc anh em CAX hy sinh trong khi làm nhiệm vụ mà được công nhận là liệt sĩ, thương binh rất khó khăn. Những bất cập này phải sửa đổi từ Pháp lệnh Người có công thì mới tháo gỡ được. Nhìn chung, lực lượng CAX vẫn bị thiệt thòi đủ đường.” |
- Thực tế, việc anh em CAX hy sinh trong khi làm nhiệm vụ mà được công nhận là liệt sĩ, thương binh rất khó khăn. Dễ thấy nhất là trường hợp anh em kiểm tra người không đội mũ bảo hiểm đi xe máy hoặc bắt ổ cờ bạc, sơ sẩy bị đối tượng đâm chết, sẽ không được công nhận là liệt sĩ vì theo Pháp lệnh Người có công, liệt sĩ phải là người có hành động dũng cảm trước khi hy sinh.
Hay như trường hợp một CAX ở Bình Phước bị các đối tượng trộm mủ cao su đánh chết khi đang làm nhiệm vụ, đã rất nhiều lần nhân dân và ĐBQH của tỉnh này đề nghị phong tặng liệt sĩ cho anh nhưng vẫn chưa được chỉ do vướng mắc từ khâu báo cáo ban đầu. Trường hợp một đồng chí ở Hà Tĩnh bị kẻ xấu trả thù, bị nổ mìn tại nhà riêng khiến đồng chí hy sinh cũng không được công nhận liệt sĩ.
Những bất cập này phải sửa đổi từ Pháp lệnh Người có công mới tháo gỡ được. Nhìn chung, lực lượng CAX vẫn bị thiệt thòi đủ đường.
Vẫn còn tình trạng một số nơi, một số CAX có những hành vi vi phạm pháp luật khiến dư luận đánh giá không tốt về CAX. Làm gì để hạn chế được tình trạng này, thưa ông?
- Theo thống kê của chúng tôi, từ năm 2011 đến nay, có trên 50 vụ việc báo chí phản ánh CAX sai phạm trong khi làm nhiệm vụ, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành.
Điển hình như vụ Trần Đức Khánh, Phạm Ngọc Phụng, nguyên Phó trưởng Công an xã Tân Hải, huyện Hàm Tân (Bình Thuận) bị khởi tố về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do liên quan đến vụ bán hơn 80 bao titan tang vật; vụ Vũ Xuân Định, nguyên Phó trưởng Công an thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn (Nghệ An) bị tuyên phạt 30 tháng tù cho hưởng án treo về tội “giao cấu với trẻ em” và tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; vụ Hoàng Ngọc Tuyên, nguyên Phó trưởng Công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội và 3 công an viên bị truy tố về hành vi đánh người gây thương tích dẫn đến tử vong…
Đề ngăn chặn, hạn chế những sai phạm, xây dựng lực lượng CAX trong sạch, vững mạnh, Bộ Công an đã có nhiều văn bản chỉ đạo công an các địa phương tập trung chấn chỉnh các hoạt động của lực lượng CAX theo đúng quy định của pháp luật và của ngành.
Xin cảm ơn đại tá!