Dân Việt

Khôi phục những cánh rừng chết, rừng "ban lộc"

Huỳnh Xây 20/08/2015 13:10 GMT+7
Những diện tích rừng chết ngày nào (do sâu bệnh tấn công, sóng biển đánh, người dân chặt phá) giờ đây đã được phủ bởi những cánh rừng xanh bạt ngàn. Rừng phòng hộ là nơi đem lại nguồn lợi thủy sản khá lớn, góp phần nuôi sống trực tiếp cho hàng ngàn người dân ven biển tỉnh Trà Vinh.

Sau nhiều năm triển khai trồng và bảo vệ, rừng phòng hộ ven biển của tỉnh Trà Vinh không những trở thành những “bức tường xanh” chắn sóng dữ mà còn là nơi để nuôi sống hàng ngàn người dân...

Khôi phục những cánh rừng chết

Theo người dân các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, hiện nay, những diện tích rừng chết ngày nào (do sâu bệnh tấn công, sóng biển đánh, người dân chặt phá) giờ đây đã được phủ bởi những cánh rừng xanh bạt ngàn.

img

Anh Tài cặm cụi trồng lại những cây bần giống trên diện tích rừng được giao khoán. Ảnh: HUỲNH XÂY

Ông Nguyễn Văn Trạm (khóm 5, thị trấn Long Thành, huyện Duyên Hải) đã có trên 30 năm sống gắn bó với rừng nói: “Trước đây, do nhiều nguyên nhân nên diện tích rừng nơi đây từng trở nên thưa thớt. Nhờ Nhà nước triển khai trồng mới lại rừng nên diện tích rừng đã mất được phủ xanh lại.

Nhiều hộ dân ở rừng phòng hộ Phước Thiện (ấp Phước Thiện, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải) thông tin: Khoảng năm 1989, nơi đây rừng bị sóng đánh đổ ngã, nhà dân thường bị tràn ngập nước mỗi khi sóng đánh mạnh vào. Nhờ có chương trình trồng rừng mà sóng biển đã được đẩy lùi.

“Hiện khoảng cách giữa biển và nhà dân chúng tôi đã rất xa, chúng tôi được bảo vệ bởi dải rừng từ 300-1.000m, với những cây cao trên 10m. “Bức tường xanh” này không những chống sạt lở mà còn giúp người dân an tâm sản xuất” – ông Lê Văn Tám, một hộ dân ở xã Đông Hải nói về rừng phòng hộ Phước Thiện.

Cũng như ông Trạm, ông Tám, ông Trần Văn Tài (ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang) cho biết, trước đây rừng ven biển Mỹ Long Nam bị mất nhiều do bị sóng biển hoành hành. Thế nhưng hiện nay đã được phủ xanh bằng cánh rừng bần, nguồn lợi thủy sản về cư trú khá nhiều.

“Cả ngày lẫn đêm, sóng biển hoành hành dữ tợn nên những cánh rừng tự nhiên ngày càng mất dần. Khi có chủ trương trồng rừng, tôi đã đăng ký tham gia và được giao khoán chăm sóc, bảo vệ 4ha” – ông Trạm nói.

Rừng “ban lộc”

Theo phóng viên NTNN tìm hiểu, rừng phòng hộ không chỉ ngăn sóng dữ, bảo vệ sản xuất trong đê mà còn là nơi đem lại nguồn lợi thủy sản khá lớn, góp phần nuôi sống trực tiếp cho hàng ngàn người dân ven biển tỉnh Trà Vinh.

Anh Cao Văn Chiến- Phó trưởng Ban nhân dân ấp Phước Thiện cho biết: Rừng phòng hộ Phước Thiện không những bảo vệ cho gần 1/3 dân số trong ấp trước sóng biển mà còn cung cấp lượng lớn thủy sản tự nhiên như tôm, cua, cá…Cũng có nhiều hộ dân thả nuôi thủy sản theo hình thức quảng canh hoặc quảng canh cải tiến đều có lãi.

Chị Sơn Thị Mỹ Hường, ở ấp Hòa Thịnh (xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang) chia sẻ rằng: “Gia đình chị đã có hơn 12 năm sống nhờ vào nguồn lợi thủy sản ở khu rừng bần Mỹ Long. Ngày nào cũng vậy, vợ chồng  tôi đều đến khu rừng bần Mỹ Long để bắt cua, cá theo con nước, trung bình mỗi ngày thu được từ 80.000 – 120.000 đồng/người”.

Anh Kiên Phương (cùng ấp Hòa Thịnh) cũng sống nhờ vào rừng Mỹ Long trong suốt 15 năm qua. Anh Phương phấn khởi nói: “Nhờ nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng mà vợ chồng tôi nuôi được 3 người con đi học. Không riêng gì gia đình tôi mà có hơn 100 hộ trong ấp nhờ rừng mà sống đến hôm nay. Được rừng “ban lộc” vậy nên chúng tôi rất chú trọng đến việc bảo vệ, giữ gìn tài nguyên rừng”.

“Các loài thủy sản như cá, tôm, nghêu, sò, cua biển...kéo nhau về rừng phòng hộ trú ngụ rất nhiều. Hằng ngày, cả trăm lượt người đi đăng lưới khi thủy triều rút. Hiểu được nguồn lợi từ rừng mang lại, người dân hiện nay rất quý và bảo vệ rừng hết mực” - anh Dương Văn Điện – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Trà Vinh cho biết. 

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Trà Vinh, từ các dự án phi chính phủ, đến nay tỉnh Trà Vinh đã trồng mới và khôi phục được gần 7.720ha rừng phòng hộ ven biển, với các chủng loại cây trồng như bần, phi lao, đước… Tỉnh cũng giao khoán hơn 4.000ha rừng cho gần 3.000 hộ dân quản lý, chăm sóc