Một ngày sau khi xảy ra vụ đánh bom khủng bố ở Bangkok khiến 22 người thiệt mạng và 123 người bị thương, dấu vết của tội ác vẫn còn hiện rõ trên con đường và các góc phố ở sát điện thờ Erawan. Và đến chiều qua 18.8, thêm một quả bom được ném từ trên cầu định nhằm vào bến tàu đông đúc Sathorn, nhưng đã rơi xuống sông Chao Phraya ở Băngkok và phát nổ mà không gây ra thương vong.
Nghi phe Áo đỏ?
Ngày 18.8, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha tuyên bố: “Có một nghi phạm là nam giới xuất hiện trong đoạn video do camera an ninh ghi lại hiện trường vụ đánh bom. Chúng tôi đang truy tìm nghi phạm này. Nghi can này được cho là thành viên của một nhóm chống Chính phủ có trụ ở miền Đông Bắc Thái Lan (thủ phủ của phe Áo đỏ)”. Thủ tướng Prayuth Chan-o-Cha nhấn mạnh, đây là vụ "tấn công tồi tệ nhất" từ trước đến nay tại Thái Lan.
Một phụ nữ khóc ngất khi người thân bị mất tích sau vụ nổ bom tối 17.8. Ảnh: EPA
Hãng tin AFP bình luận, tuyên bố của ông Prayut cũng đồng nghĩa với việc, quá trình điều tra giờ đây sẽ tập trung vào phe Áo đỏ đối lập chống Chính phủ thay vì nhằm vào phiến quân Hồi giáo ở cực Nam nước này. Phe Áo đỏ Thái Lan là lực lượng bao gồm những người nghèo tại vùng nông thôn nước này.
Họ là những người ủng hộ cựu Thủ tướng Yingluck và anh trai của bà là ông Thaksin Shinawatra vì chính sách dân túy của họ khi còn nắm quyền. Trước đó, giới chức Thái Lan cũng đã đổ lỗi cho phe Áo đỏ thực hiện hàng loạt các vụ tấn công quy mô nhỏ tại Bangkok vào đầu năm 2015. Tuy nhiên, thủ lĩnh phe Áo đỏ đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.
“Nhằm vào người nước ngoài”
Ngay sau vụ tấn công, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan khẳng định ngay lập tức rằng những kẻ đặt bom chủ ý nhằm vào người nước ngoài để gây hại cho ngành du lịch và kinh tế của xứ sở chùa vàng. Trong số nạn nhân thiệt mạng có người Trung Quốc, Malaysia, Singapore. Giới chuyên gia nhận định tình hình bất ổn có thể khiến lượng du khách đến Thái Lan giảm, đặc biệt khách Trung Quốc. Năm 2014, khoảng 4,6 triệu người Trung Quốc đến Thái Lan, với mức chi tiêu trung bình 5.500 baht (155 USD)/ngày, nhiều hơn so với mức trung bình của du khách đến từ các nước châu Âu.
Vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh kinh tế Thái Lan tăng trưởng chậm trong quý II/2015 do nhu cầu nội địa và xuất khẩu giảm. Số liệu thống kê chính thức cho thấy GDP của Thái Lan quý II vừa qua chỉ tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ Thái Lan đã hạ mức dự báo tăng trưởng cả năm 2015 xuống khoảng 2,7-3,2% từ mức dự báo 3-4% trước đó.
Phản ứng về vụ đánh bom đẫm máu ở Thái Lan, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết ông "cảm thấy kinh hoàng khi nhận được thông tin về vụ nổ tại đền thờ Erawan ở thủ đô Bangkok và sự tổn thất về sinh mạng của những người dân vô tội". Ông Ban Ki-moon cũng bày tỏ hy vọng những kẻ tiến hành vụ nổ sẽ sớm bị đưa ra công lý.
Trong khi đó, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Ned Price cùng ngày đã lên án vụ việc trên. Mỹ sẽ liên hệ chặt chẽ với nhà chức trách Thái Lan trong quá trình Bangkok điều tra vụ tấn công này. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân trong vụ đánh bom tại thủ đô của Thái Lan.
Một nạn nhân người Việt bị đa chấn thương Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, anh Mai Văn Trường, một người Việt bị thương trong vụ đánh bom ở Thái Lan do sức ép của bom nên đã bị tụ máu tai mắt và giập xương chân. ĐSQ cho biết, lúc 10 giờ 15 phút sáng 18.8.2015, cán bộ Đại sứ quán đã thăm hỏi được anh Mai Văn Trường (sinh ngày 2.10.1990, quê tại Đồng Lợi, Triệu Sơn, Thanh Hóa). Hiện anh Trường đang được các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Bangkok chăm sóc. Đại sứ quán sẽ theo dõi sát, tiếp tục hỗ trợ anh Mai Văn Trường. |