Kể từ lần vỡ đường ống sông Đà lần thứ 13 xảy ra vào ngày 17/8, cho đến nay nhiều khu vực của các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai... vẫn chưa được cung cấp lại nước sạch. Lo tình trạng này kéo dài, một số hộ dân đã phải mua nước dịch vụ với giá 800.000 đồng một xe nước rồi chia nhau dùng.
Tại Tổ 73 phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cứ 3 hộ gia đình thì góp tiền mua 1 xe téc nước (với giá 800.000 đồng/xe). Tuy nhiên, nguồn gốc của những xe nước này vẫn đang là một dấu hỏi lớn đối với chính người sử dụng.
Theo ghi nhận của phóng viên Infonet tại Tổ 73, khoảng 20h ngày 18/8 xuất hiện một xe "chở nước rửa đường" đến bán nước cho một số hộ dân tại đây. Anh Nguyễn Văn Hùng (sống tại tổ 73) cho biết, chiều nay đã có 2 xe như thế này đến bán nước cho người dân với giá 800.000 đồng/xe. "Không biết nước bẩn hay sạch, nhưng giờ này có nước dùng là tốt lắm rồi" - anh Hùng chia sẻ. Anh Khánh (một hộ mua nước sử dụng) kể, khi bơm nước vào bể phải hạ áp suất để nước chảy nhẹ và đỡ bị khuấy đục.
Trong khi đó, phía Tổ 77 (Phương Liệt, Thanh Xuân), nước cũng đã bắt đầu được bơm trở lại nhưng vẫn còn yếu. Nhiều hộ phải chờ đêm muộn mới sử dụng máy bơm và vòi dẫn để bơm nước trực tiếp vào bể. Tuy nhiên, do lượng nước cung cấp còn có hạn nên những hộ dân ở cuối đường ống nước vẫn phải làm quen với việc đi mua những xe nước không rõ nguồn gốc với giá "cắt cổ".
Dưới đây là một số hình ảnh PV Infonet ghi lại cảnh mua bán nước tại khu vực quận Thanh Xuân:
Kể từ lần vỡ đường ống sông Đà lần thứ 13 xảy ra vào ngày 17/8, cho đến nay nhiều khu vực của các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai... vẫn bị cắt nước.
Một xe nước rửa đường đến bán cho những hộ dân tại tổ 73 (Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội).
Mỗi xe nước được bán với giá 800.000 đồng.
Tuy nhiên, nguồn gốc của những xe nước này đang là dấu hỏi lớn đối với chính những người bỏ tiền ra mua.
Anh Khánh cho biết, phải hạ áp suất để nước bơm vào bể không bị khuấy đục.
Trong khi đó, tại Tổ 77, nhiều hộ dân đã phải đợi ban đêm mới sử dụng bơm mới hút được nước để sử dụng. Do lượng nước chỉ được bơm cầm chừng nên vẫn còn nhiều hộ dân ở cuối nguồn nước vẫn chưa có nước sạch để dùng.
Lý giải về nguyên nhân nhiều khu dân cư vẫn chưa có nước sạch, một cán bộ Công ty CP Đầu tư và kinh doanh nước sạch Viwaco cho biết, do sự cố kéo dài, nhu cầu sử dụng nước của người dân cũng tăng đột biến trong khi đường ống nước sạch sông Đà chỉ cung cấp được khoảng 30% nhu cầu cho người dân Hà Nội so với ngày thường.