Tạp chí Health chỉ ra một số thói quen xấu sau đây gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của bạn.
Uống quá nhiều nước
Rõ ràng việc uống ít nước không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, bạn cố gắng uống thật nhiều nước? Tuy nhiên, đó là một sai lầm nghiêm trọng nếu bạn vừa chạy marathon xong hoặc nhịn khát quá lâu.
Trong trường hợp trên, việc uống quá nhiều nước có thể khiến bạn bị ngộ độc nước (còn được gọi là hạ natri máu).
Khám bệnh qua internet
Internet có rất nhiều thông tin mà chúng ta cần kể cả kiến thức về những căn bệnh và triệu chứng bất ổn mà bạn đang gặp phải. Tuy nhiên, "bác sĩ Google" không thể thay thế cho một bác sĩ thực sự.
Bạn nên đi khám khi thấy sức khỏe có vấn đề để tìm ra nguồn gốc căn bệnh. Chẳng phải những câu trả lời của bác sĩ trên internet đều kết thúc bằng câu “Bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám cụ thể hơn” hay sao?
Tập thể dục quá nhiều
Tập thể dục rất tốt cho cơ thể nhưng bạn chỉ nên luyện tập với cường độ phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện có. Đôi khi, chúng ta chỉ cần ngồi thư giãn lại tốt hơn so với việc lao đầu vào luyện tập.
Những triệu chứng như mệt mỏi, khó ngủ, giảm khả năng miễn dịch, đau nhức cơ bắp… báo hiệu rằng bạn đang bắt cơ thể hoạt động quá mức.
Không ngủ đủ giấc
Trong một đêm, trung bình mỗi người cần ngủ khoảng 7 giờ để lấy cơ thể tái tạo lại năng lượng. Giấc ngủ ngắn sẽ khiến sức khỏe bạn tuột dốc không phanh và sinh ra hàng loạt bệnh tật như cao huyết áp, trầm cảm, tiểu đường…
Không ăn trái cây và rau
Ăn nhiều rau và trái cây giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tim và một số dạng ung thư đồng thời kiểm soát tốt cân nặng. Thế nhưng không ít người “chê” rau và trái cây hoặc ăn ít hơn so với nhu cầu của cơ thể.
Lạm dụng viên vitamin
Bổ sung vitamin qua việc ăn uống lành mạnh tốt hơn nhiều so với việc bạn dùng viên vitamin bổ sung hàng ngày. Bạn chỉ nên dùng viên vitamin bổ sung ở mức độ vừa phải và nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Lười kiểm tra sức khỏe
Bạn cảm thấy không ổn chỗ nào đó trong cơ thể nhưng lại lười đến bệnh viện khám hoặc hứa hẹn theo kiểu “để ngày mai đi cũng được…”.
Thực chất, “ngày mai” đó không bao giờ đến vì bạn cứ tiếp tục hẹn cho đến khi quên hẳn. Chính điều này làm bạn mất đi cơ hội tầm soát sớm những dấu hiệu nguy hiểm và làm giảm cơ hội trị dứt bệnh.