Điểm cao cũng rớt
Có mặt tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vào sáng sớm ngày 19.8, em Nguyễn Phương Nga (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) buồn rầu cho biết: “Em được 23 điểm khối A, đã gửi hồ sơ vào khoa Kinh tế quốc tế, theo dõi suốt nửa tháng trời số thứ tự vẫn nằm trong chỉ tiêu, em cứ đinh ninh là mình sẽ đỗ nếu so với số điểm trúng tuyển năm ngoái là 21,5, vậy mà chỉ mấy ngày cuối đã bị đẩy ra ngoài, hôm 16.8 trường công bố điểm dự kiến trúng tuyển ngành này lên tới 25,5 điểm. Em phải vội vàng lên rút hồ sơ để kịp chuyển trường khác”. Nga nói, ban đầu em cũng liệu được kết quả thi chung năm nay cao hơn năm trước, điểm trúng tuyển cũng sẽ cao hơn nhưng không ngờ lại biến động mạnh đến vậy.
Thí sinh nộp hồ sơ tại Trường ĐH Bách khoa, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thiêm
Với 22 điểm, em Đào Văn Cường (Quỳnh Minh, Quỳnh Phụ, Thái Bình) tin chắc sẽ đỗ khi gửi hồ sơ vào khoa Công nghệ may của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. “Năm ngoái điểm chuẩn trúng tuyển của ngành này là 18 điểm, em tin chắc mình sẽ đỗ, ai ngờ trường lấy tới 23 điểm” - Cường nói. Mặc dù Bộ GDĐT cho phép được thay đổi nguyện vọng ở trường THPT nhưng bố con Cường vẫn quyết định khăn gói lên Hà Nội từ 4 giờ sáng đề rút hồ sơ... cho chắc. “Em đã quá chủ quan với số điểm của mình nên bây giờ không thể chủ quan đợi rút – chuyển hồ sơ ở trường một lần nữa. Nhưng giờ hai bố con đang băn khoăn không biết nên gửi hồ sơ vào đâu, nhiều trường đã công bố điểm trúng tuyển tạm thời. Nhiều TS có điểm cao sẽ ồ ạt gửi vào trường công bố điểm chuẩn trúng tuyển thấp hơn, nên cũng không chắc chắn điểm chuẩn đó không thay đổi” – Cường lo lắng.
Ghi nhận của PV trong ngày 19.8 tại các trường ĐH “top” như Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa, ĐH Thủy lợi, ĐH Xây dựng, Học viện Ngân hàng... vẫn có rất nhiều TS và phụ huynh mệt mỏi chờ đợi trong nắng nóng để rút và nộp hồ sơ. Ông Nguyễn Vũ Thắng - Phó phòng Đào tạo ĐH Bách khoa cho biết, trường đã nhận được khoảng 10.500 hồ sơ, thời điểm này còn 7.100 hồ sơ, vậy số hồ sơ đã rút lên tới 3.500 bộ. Trong những ngày cuối, trường này cũng nhận thêm và giải quyết rút hồ sơ rất nhiều trường hợp. “TS có thể thay đổi nguyện vọng đến 11 giờ ngày 19.8, tuy nhiên, TS chọn những ngày cuối cùng để nộp hồ sơ là khá nguy hiểm vì cán bộ tuyển sinh sẽ không xử lý kịp thông tin để đưa lên website cho các em theo dõi để rút trước ngày 20.8 được”.
Vào cao đẳng cho chắc
Ghi nhận từ các trường ĐH, CĐ cho thấy, số lượng hồ sơ rút phần lớn là của những TS có mức điểm từ 15 - 20 điểm, đây là mức điểm được xác định là nguy hiểm nếu phải chuyển hồ sơ ở thời điểm hiện tại.
Em Trần Văn Kiên (Lương Sơn, Hòa Bình) đạt 17 điểm khối A, em gửi hồ sơ vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội khoa Công nghệ ô tô đến ngày 15.8 thì xác định mình không trúng tuyển. Kiên “biết thân biết phận” nên quyết định không tiếp tục chạy đua gửi hồ sơ vào các trường ĐH nữa mà chọn 1 trường CĐ nghề. Kiên cho biết: “Mức điểm của em không thể cạnh tranh được ở các trường top trên và giữa. Thời điểm này cũng khá muộn để tham khảo, xem xét điểm của từng trường ĐH nên em quyết định nộp vào hệ CĐ cho chắc”.
Đó cũng là lựa chọn của bố con em Bùi Thị Huệ (Mê Linh, Hà Nội) sau khi rút hồ sơ khỏi Trường ĐH Thủy lợi. Ông Bùi Quang Minh – bố em Huệ cho biết: “Cháu được 19 điểm. Gần 20 ngày nay, việc chọn khoa, chọn trường cho cháu gửi hồ sơ trở thành cuộc chiến của cả nhà, hết sức mệt mỏi. Đến khi biết số thứ tự của con đã ra ngoài chỉ tiêu thì cả nhà thống nhất thôi gửi hồ sơ vào CĐ cho chắc đỗ, nếu muốn học ĐH thì sang năm thi lại”.
Trúng tuyển đợt 1 vẫn là phương án tối ưu cho TS vì các nguyện vọng sau cũng còn rất ít chỉ tiêu. Tuy nhiên, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) khuyên: “TS phải biết cân nhắc mức điểm của mình trong từng thời điểm nộp hồ sơ, nếu thấy nhiều mức điểm không đủ để cạnh tranh ở đợt 1 thì có thể dành cho các đợt tiếp theo. TS có nhiều lựa chọn, trong đó TS nên tìm hiểu những trường có đề án thi riêng. Ngoài ra, nhiều trường xét học bạ với số điểm không hề cao, các trường CĐ cũng còn rất nhiều chỉ tiêu xét tuyển...”.
Bộ GDĐT vừa yêu cầu các Sở GDĐT, trước 20 giờ ngày 20.8 phải tổng hợp yêu cầu thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển của TS và cập nhật lên hệ thống phần mềm quản lý của Bộ. Các trường ĐH, CĐ sẽ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đến 17 giờ ngày 20.8, đến 10 giờ ngày 22.8 hệ thống phần mềm của Bộ sẽ tạm thời không cung cấp dữ liệu của TS cho các trường. Việc công khai danh sách trúng tuyển trước 18 giờ ngày 25.8. |