Hàng ngàn ha cây trồng bị ảnh hưởng
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lê Phước Đại – Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Hậu Giang thông tin: Mặn đã bao vây chung quanh, xâm nhập từ nhiều hướng tràn vào tỉnh Hậu Giang. Cụ thể là mặn xuất hiện ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng); huyện Hồng Dân (Bạc Liêu); huyện Giồng Riềng và Rạch Giá (Kiên Giang). Theo đó, nước mặn từ tỉnh Kiên Giang theo kênh xáng Xà No rồi vào sâu TP.Vị Thanh. Mặn cũng từ tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng vào huyện Long Mỹ và Phụng Hiệp qua tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp.
Ông Lâm Văn Nghệ (trái) buồn rầu do mặn xâm nhập khiến vườn quýt đường sắp đến ngày thu hoạch bị tổn thất nặng. Ảnh: H.X
Theo ông Đại nhận định, tình trạng mặn xâm nhập trên là bất thường, khiến địa phương trở tay không kịp. Bởi trong lịch sử từ trước đến nay, ở tỉnh Hậu Giang chưa bao giờ xảy ra tình trạng mặn xâm nhập vào mùa mưa như từ giữa tháng 7 đến nay. Do không lưu ý phòng tránh, nước mặn đã len lỏi vào trong nội đồng, làm thiệt hại năng suất cây trồng. Theo thống kê sơ bộ, chỉ riêng huyện Phụng Hiệp và Long Mỹ đã có 4.000ha bị ảnh hưởng.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt tại xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, tại đây nhiều vườn cây ăn trái bị khô cằn, lá và thân cây bị teo tóp. Dẫn chúng tôi ra vườn quýt của gia đình, lão nông Lâm Văn Nghệ (xã Phương Phú) khom người lượm những trái non rơi rớt, giọng sầu não nói: “1,2ha cây ăn trái của tôi đã bị thiệt hại năng suất nặng nề do xâm nhập mặn. Từ khi sinh ra đến giờ, hơn nửa đời người rồi, tôi chưa bao giờ thấy nước mặn xuất hiện vào thời gian này”.
Hiện người dân huyện Long Mỹ cũng vô cùng lo lắng và cho rằng, nhiều năm trước đây, vào mùa khô (từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau), nơi đây chỉ xảy ra mặn với mức độ nhẹ (dưới 2‰) và chỉ diễn ra trong vài ngày. Tuy nhiên, năm nay, nước mặn xuất hiện vào mùa mưa, có lúc độ mặn lên đến 6‰ và kéo dài.
Còn theo Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, từ giữa tháng 7 đến nay, nhiều diện tích lúa đã bị thiệt hại do mặn xâm nhập, nhiều nhất là ở các huyện: Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành... Từ đầu năm đến nay, tỉnh Kiên Giang đã có trên 12.000ha diện tích lúa bị ảnh hưởng, ngoài ra còn có gần 2.000 ha diện tích tôm bị chết và thiệt hại năng suất.
Đợt xâm nhập mặn lịch sử cũng đã xảy ra tại TP.Rạch Giá, khiến cho cuộc sống của trên 250.000 dân bị xáo trộn.
Sẽ còn diễn biến phức tạp
" 1,2ha cây ăn trái của tôi đã bị thiệt hại năng suất nặng nề do xâm nhập mặn. Từ khi sinh ra đến giờ, hơn nửa đời người rồi, tôi chưa bao giờ thấy nước mặn xuất hiện vào thời gian này”. |
Theo ông Đại, mặn xâm nhập bất thường là do mưa xuất hiện muộn và ít, lượng mưa không nhiều, hơn nữa mực nước dưới các con sông, kênh trong vùng ngày càng cạn kiệt, tạo điều kiện cho nguồn nước mặn các nơi khác tràn về.
Về công tác ngăn mặn, ông Đại cho biết: “Để đối phó với những diễn biến bất thường này, trước mắt ngành chức năng tính đến phương án là mặn xâm nhập đến đâu sẽ đắp đập thời vụ đến đó. Đồng thời, thông báo khẩn cấp, khuyến cáo người dân không sử dụng nước nhiễm mặn tưới cho vườn cây ăn trái, ruộng lúa”.
“Qua kết quả quan trắc ở nhiều địa phương và tìm hiểu thì việc xâm nhập mặn diễn ra trên địa bàn tỉnh là do tác động xấu của biến đổi khí hậu ở tầng suất rất cao. Theo quy luật mới trên thì thời gian này, năm sau chắc chắn sẽ diễn ra mặn nữa” - ông Đại lo lắng.
Lý giải về hiện tượng xâm nhập mặn bất thường, PGS-TS Lê Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) phân tích: Trên thượng nguồn sông Mekong gặp hạn, lại bị các thủy điện chặn dòng chảy nên mực nước dưới hạ lưu thấp hơn mọi năm. Khi mực nước ở hạ lưu thấp, nước biển sẽ tràn về đất liền dưới tác động của các đợt triều cường.
“Các cơ quan chức năng cần xem vấn đề mặn xâm nhập là thiên tai, có những đầu tư lớn trong công tác phòng chống như: Xây dựng hệ thống ngăn mặn và trang bị nhiều về máy đo độ mặn, nếu có thể đầu tư cho cả người dân nông thôn. Tuyên truyền người dân tận dụng mọi điều kiện để trữ nước ngọt, nước mưa, tránh chủ quan để rồi thiệt hại không hay” – ông Tuấn khuyến cáo.