Ở nông thôn, người ta hát những bài hát chẳng “đồng quê” chút nào. Thật lạ kỳ khi cái nôi của dân ca, dân nhạc màu mỡ tươi tốt bao đời giờ lại hoang hóa đến vậy.
Một thế giới khác
Đêm bên kia sông Cầu, Bắc Ninh vẫn nhộn nhịp với các hoạt động giải trí sôi động của những cư dân thành phố trẻ. Tối đó, ngôi sao ca nhạc Đan Trường về diễn ở sân vận động Cầu Gỗ, tiếng loa đài quảng cáo chát chúa suốt cả mấy ngày trước.
Trẻ em ở làng Thổ Hà vẫn hát các ca khúc thiếu nhi cách đây gần nửa thế kỷ. |
Đêm ở bên này sông Cầu, làng Thổ Hà (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) chìm dần vào yên tĩnh, chỉ vọng lên tiếng loa đài của một đám thanh niên hát karaoke trong một đám cưới ở đầu làng. Năm đầu tiên của thế kỷ XXI, vậy mà các cậu trai mới lớn tuổi 19, 20 vẫn cầm micro hát những bài ca ảo não cách đó nhiều thập kỷ: “Ai cho tôi tình yêu, của ngày thơ ngày mộng. Tôi xin dâng vòng tay mở rộng. Và đón người đi vào tim tôi...”.
Hát chán, mệt rồi, các cậu chuyển sang bật băng đĩa, lại giọng hát sầu thảm của ca sĩ Chế Linh vang lên: “Vòng nhẫn cưới đó em đeo, thôi hết từ nay mơ mộng rồi...”.
Khi chúng tôi hỏi sao không hát những bài nhạc trẻ, hay những bài tình ca quê hương về nông thôn, Đỗ Văn Trung- một cậu thanh niên đến vui với bạn trong đêm dựng rạp cưới vợ đáp: “Bây giờ hát nhạc vàng, nghe nhạc vàng đang là mốt đấy các anh chị ạ. Còn nhạc nông thôn à, chẳng lẽ lớp trẻ bọn em lại phải hát những bài “Đường cày đảm đang” hay “Đưa cơm cho mẹ đi cày” từ thời chiến tranh. Những bài đó mà muốn nghe thì hội diễn của các chị hội phụ nữ năm nào chả có?”.
“Văn hóa giải trí của người dân nông thôn đang quẩn quanh cái TV”- bác Đỗ Văn Thúy ở thôn Đồng Tran, (Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội) nói với chúng tôi. “Kể ra đời sống tinh thần ở nông thôn so với trước giờ có lên thật, TV mấy chục kênh xem cả ngày, chán xem phim truyền hình thì bật băng đĩa lên nghe. Nhưng mà tôi để ý thấy những ca khúc về đồng quê, về nông thôn nông dân giờ hiếm quá, tôi thích được nghe những sáng tác mới của các nhạc sĩ cho người nông dân mà chẳng có.
Có dạo tôi để ý chờ suốt xem VTV3 có không, cả tháng cũng chẳng có. Trước truyền hình cáp có kênh VCTV4 chuyên phát chèo, dân ca nghe cũng thích, giờ chuyển hẳn sang cái em em pho pho kênh gì đấy, mở ra là nhạc Hàn Quốc, nhạc Tây nhảy nhót nhí nhố, tôi không thể nào chịu nổi, cũng không hiểu chúng nó hát cái gì”- cụ Đỗ Văn Ba – cha đẻ của bác Thúy năm nay đã 78 tuổi tâm sự.
Đừng là duy nhất
Ngày 3.6.2011, Bộ NNPTNT cùng Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức trao giải cho các tác phẩm văn học, ca khúc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam 2011.
Tính ra, trong lịch sử âm nhạc VN và văn học VN, đây là cuộc vận động đầu tiên có quy mô toàn quốc về những sáng tác cho đề tài “tam nông”, riêng về mảng âm nhạc có tổ chức đi thực tế sáng tác, có biểu diễn trao giải trang trọng. 18 ca khúc được trao giải với giải thưởng cao nhất là 10 triệu đồng, giải thấp nhất là 5 triệu đồng, gương mặt các nhạc sĩ tâm huyết với nông thôn đã tươi tỉnh và tự hào hơn một chút.
Nhưng nhiều người đang lo lắng rằng, đó sẽ là cuộc vận động đầu tiên và cũng là... duy nhất, bởi để có một đời sống âm nhạc mới mẻ và lành mạnh cho nông thôn, cần phải có một chiến lược đầu tư dài hơi hơn nữa.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên - thành viên Ban giám khảo của cuộc vận động sáng tác ca khúc về nông thôn do Bộ NNPTNT cho biết: “Tôi thực sự hoang mang khi nghĩ về đời sống âm nhạc ở nông thôn hiện nay, từ lứa trẻ mầm non đến thanh niên, trung niên đều thiếu thốn.
Tháng 10 vừa rồi, tôi về Đông Anh (Hà Nội), vùng nông thôn nhưng là nông thôn của thủ đô đấy, mà thấy các em bé vẫn hát những bài ca tôi sáng tác cách đây tới 40 năm, những là “Trường cháu đây là trường mầm non” hay “Bé đi sơ tán bế em đi cùng” của nhạc sĩ Phạm Đức Lộc.
Đó là trẻ em, còn thanh niên, trung niên thì cũng quá thiếu những ca khúc hay về nông thôn, hát đi hát lại quẩn quanh mấy bài cũ thôi. Lứa nhạc sĩ già chúng tôi thì đèn sắp cạn dầu rồi, còn các nhạc sĩ trẻ thì chỉ chăm viết cho các ngôi sao, họ trả tiền nhiều”.
Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, cuộc vận động sáng tác ca khúc cho tam nông như vừa rồi là rất tốt, nhưng thành quả đạt được chỉ như muối bỏ bể, làm sao duy trì được nhiều hơn nữa những lần “gieo hạt” như vậy thì may ra mới có những mùa quả ngọt.
(Còn nữa)
Anh Tuấn - Lê Tâm