Trên thực tế như một luật bất thành văn người ta vẫn tự hiểu với nhau là trường công lập hơn dân lập. Tuy nhiên hiện nay các trường dân lập đang dần vươn lên, nhiều trường đã khẳng định được vị thế của mình.
Quy luật là muốn phát triển đến một mức nào đó phải trải qua thời kỳ quá độ và chất lượng đào tạo của trường dân lập đang trải qua thời kỳ đó.
Trong tương lai gần, trường dân lập và công lập sẽ đứng ngang hàng nhau và cạnh tranh nhau một cách công bằng. Việc làm của Nam Định là hoàn toàn sai về luật, tôi nghĩ họ sẽ phải xem lại quyết định của mình.
Bà Trần Thị Kim Phương - Chủ tịch HĐQT Trường Cao đẳng ASEAN
Vấn đề của Nam Định cần phải đưa lên tầm Quốc hội xem Luật Giáo dục ĐH của chúng ta đã ổn chưa? Tại sao lại dẫn đến tình trạng này? Nếu Nam Định muốn chọn người giỏi thì nên làm như cha ông chúng ta ngày xưa: Không biết anh ở đâu, học ông đồ nào, chỉ cần anh vượt qua kỳ thi thì anh sẽ được trọng dụng. Như thế mới là làm đúng. Tôi băn khoăn về mục đích tuyển dụng của Nam Định, chọn người tài hay anh chọn hệ thống đào tạo ra nó?
Tuy nhiên, việc Nam Định từ chối tuyển công chức học dân lập và tại chức cũng là một tiếng chuông cảnh tỉnh để hệ này cần xem lại "sản phẩm" của mình đã được đào tạo tốt chưa? Đúng quy trình chưa? Tại sao không đáp ứng được nhu cầu của xã hội?
PGS - TS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng
Trường chúng tôi thành lập với mục đích là đào tạo nhân lực cho các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiêp... Vì vậy việc Nam Định không tuyển công chức học dân lập cũng không ảnh hưởng lớn gì đến trường cả. Quan điểm của trường và quan điểm của tỉnh không liên quan đến nhau. Còn về chất lượng đào tạo, các đơn vị khác khi nhận sinh viên Trường Lương Thế Vinh vào vẫn đánh giá cao về khả năng làm việc và thích nghi với môi trường. Chúng tôi cũng cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo để sớm thay đổi được sự nhìn nhận của xã hội về hệ thống trường dân lập.
Ông Hoàng Trọng Yên - Hiệu trưởng ĐH Lương Thế Vinh, Nam Định
Tùng Anh (ghi)