Dân Việt

Xe máy và 1,6 tỷ đồng “vô chủ” sẽ được xử lý thế nào?

Xuân Lực 20/08/2015 19:00 GMT+7
Chiếc xe máy và 1,6 tỷ đồng bên trong xe đến nay vẫn “vô chủ” bất thường. Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, chiếc xe máy và số tiền trên sẽ được xử lý ra sao?

Như đã thông tin, ngày 16.8 vừa qua, Công an huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) đã kiểm tra chiếc xe máy bỏ bên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Lâm Sơn, Lương Sơn) và phát hiện bên trong xe có khoảng hơn 1,6 tỷ đồng.

Theo thượng tá Bạch Chí Điền - Trưởng Công an huyện Lương Sơn, quần chúng nhân dân là người phát hiện ra chiếc xe máy bỏ bên đường không người trông giữ nên báo cơ quan điều tra. Công an huyện Lương Sơn sau đó đã tới kiểm tra hiện trường và đưa chiếc xe về trụ sở. Kiểm tra chiếc xe máy, công an phát hiện hơn 1,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính tới trưa 20.8, vẫn chưa có cá nhân, tổ chức nào tới nhận là chủ nhân chiếc xe và số tiền trên.

Cơ quan điều tra cũng đã xác minh được chủ đăng ký chiếc xe máy chứa hơn 1,6 tỷ đồng là chị Nguyễn Thị Bích ở Hà Nội. Tuy nhiên, chị Bích đã thay đổi chỗ ở nên cơ quan điều tra chưa thể liên hệ làm việc.

Việc chiếc xe máy chứa số tiền tỷ nhưng “vô chủ” một cách bất thường khiến nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, “chiếc xe máy và số tiền 1,6 tỷ đồng sẽ được xử lý thế nào?”.

img

Chiếc xe máy và số tiền hơn 1,6 tỷ đồng vẫn "vô chủ" bất thường (ảnh minh họa). Nguồn: Internet

Trao đổi với PV về câu hỏi trên, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh) cho biết: “Đối với chiếc xe máy, do đây là tài sản có đăng ký quyền sở hữu nên các cơ quan có thẩm quyền cần phối hợp để tìm ra chủ sở hữu của chiếc xe và thông báo để cho họ biết.

Sau khi làm việc với chủ xe, xác minh không có dấu hiệu hình sự thì các cơ quan chức năng tiến hành trao trả chiếc xe cho chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

Nếu xác minh được chủ sở hữu xe nhưng cơ quan chức năng không thể liên hệ, làm việc với chủ sở hữu thì xử lý theo quy định vật bị bỏ quên tại Điều 241 Bộ luật Dân sự 2005.

Đối với số tiền chứa trong xe, cơ quan chức năng cần thông báo công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để tìm chủ sở hữu.

Nếu tìm được chủ sở hữu (chủ sở hữu có trách nhiệm chứng minh số tiền nói trên thuộc quyền sở hữu của mình) thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh, nếu không có dấu hiệu hình sự và số tiền thuộc quyền sở hữu hợp pháp của chủ sở hữu thì trao trả cho chủ sở hữu.

Nếu không tìm được chủ sở hữu thì áp dụng các quy định về vật không xác định được chủ sở hữu hoặc vật bị bỏ quên tại Điều 239, Điều 241 Bộ luật Dân sự 2005”.

Điều 239 Bộ luật Dân sự 2005 quy định “Xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu”, cụ thể như sau:

1. Vật vô chủ là vật mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó.

Người đã phát hiện vật vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó theo quy định của pháp luật; nếu vật được phát hiện là bất động sản thì thuộc Nhà nước.

2. Người phát hiện vật không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp.

Ủy ban nhân dân hoặc công an cơ sở đã nhận vật phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu.

Trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu là động sản thì sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật; nếu vật là bất động sản thì sau năm năm, kể từ ngày thông báo công khai vẫn chưa xác định được ai là chủ sở hữu thì bất động sản đó thuộc Nhà nước; người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 241 Bộ luật Dân sự 2005 quy định “Xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên”, cụ thể như sau:

1. Người nhặt được vật do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại vật cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Ủy ban nhân dân hoặc công an cơ sở đã nhận vật phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

2. Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.

3. Vật bị đánh rơi, bị bỏ quên là di tích lịch sử, văn hoá mà sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, không xác định được chủ sở hữu hoặc không có người đến nhận thì vật đó thuộc Nhà nước; người nhặt được vật đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.