100 di sản ưu tiên bảo vệ
Tính đến hết tháng 7, TP.Hà Nội đã đi được nửa chặng đường trong việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại 30 quận, huyện. Trong số này, 12 quận huyện, đã lập được danh mục khoảng gần 1.000 di sản. Cụ thể, có 857 di sản văn hoá phi vật thể của Hà Nội được nhận diện, xác định chủ thể và giá trị, đánh giá hiện trạng sức sống và đề xuất biện pháp để bảo vệ. Số lượng di sản chia theo loại hình như: Nghệ thuật trình diễn truyền thống; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian và cuối cùng là loại hình văn hóa dân gian truyền khẩu.
Cụ Nguyễn Ngọc Đoán, người làng Đa Chất, giới thiệu về cối xay do người thợ cối của làng làm. Ảnh: Trần Trí Dõi
Sau quá trình thực hiện công tác kiểm kê, cộng đồng và các cơ quan quản lý các cấp đã thống nhất đề xuất 100 di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào danh sách ưu tiên để bảo vệ.
Ông Trương Minh Tiến- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho biết, quá trình kiểm kê, nhận dạng đã gặp nhiều khó khăn và thách thức không nhỏ. Đó là sự mai một khá rõ của một số loại hình di sản như truyền khẩu, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn và tập quán xã hội. Hay những bất cập về nhận thức trong công tác quản lý dẫn đến tác động làm sai lệch giá trị di sản. Trong khi đó, số lượng người thực hành ngày càng ít đi nên việc trao truyền di sản ngày càng khó khăn hơn.
Cũng về công tác quản lý, TS Lê Thị Minh Lý- Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hoá cho rằng, chính sách phát triển nông thôn mới không song hành, không gắn kết với chính sách văn hóa.
Đôi khi việc phát triển cơ sở hạ tầng, thay đổi mô hình cơ cấu kinh tế làm thay đổi, thay đổi cuộc sống người dân và khi làm thay đổi cuộc sống của họ thì cũng sẽ làm biến mất những tập quán của họ. “Ví dụ như nếu bây giờ Hà Nội thực hiện giãn dân phố cổ mà không có chính sách cụ thể và chính sách đặc biệt để bảo vệ di sản, thì di sản văn hóa phi vật thể sẽ không còn. Đời sống thực hành của di sản đó cũng không còn”- bà Lý cho biết.
Báo động đỏ di sản phi vật thể
" Sau khi công bố kết quả, chúng tôi cũng sẽ trao lại cho chính quyền địa phương danh sách, hồ sơ, bản đồ về di sản văn hóa phi vật thể để họ hiểu về di sản và từ đó đưa ra được những quyết sách cho phát triển, bảo tồn di sản”. |
Tính đến nay, 5 di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội là hội Đền Và; hội hát Bội; hội Giá tại Hoài Đức; nghề thêu ở Đông Cứu, Thường Tín; bơi Đăm của quận Nam Từ Liêm đã kiểm kê xong. Trong đó, hội Đền Và và hội hát Bội đang được lập hồ sơ xét di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đồng thời, có 6 dự án được TP.Hà Nội đầu tư bảo tồn, trong đó đặc biệt là tiếng lóng ở làng Đa Chất (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên) được xếp ở vị trí cao nhất.
Tiếng lóng ở làng Đa Chất là loại hình văn hóa truyền khẩu, là tiếng nói gắn với đời sống với người dân Đa Chất. Tiếng lóng được hình thành từ nghề bán cối xay gạo dạo ở nhiều tỉnh như Cao Bằng, Sơn La, Thái Nguyên, Hải Dương... Những người thợ đóng cối phải tự bảo vệ cho mình và đồng nghiệp, bạn bè, con cháu trong hiệp thợ hoặc cùng làng trên đất khách quê người bằng cách thông báo/thông tin/cảnh báo riêng cho nhau các tình huống trong khi đi đường như đề phòng mất cắp, bị gây sự... mà không bị người khác để ý, phát hiện.
Từ các nhu cầu đó, những người trong hiệp thợ đóng cối đã sáng tạo ra ngôn ngữ tiếng lóng nhằm thông báo cho nhau mà không bị người ngoài biết. Hoặc họ dùng thứ tiếng lóng đó để người thợ cả nhắc nhở, dạy dỗ người học việc mà để chủ nhà không biết là đang nhắc nhở...
Theo TS Lê Thị Minh Lý, tiếng lóng đã có khá nhiều ngữ cảnh trong đời sống, và lâu dần họ dùng như là một niềm tự hào của họ. “Hiện nay, sau những nghiên cứu chuyên sâu, chúng tôi đã tiến hành bước đầu làm ngay một cuốn phim để những người đóng cối thể hiện việc thực hành di sản của họ. Hiện giờ còn một vài cụ cao tuổi đang sống vẫn còn nhớ tiếng lóng sẽ nói và giao tiếp cùng nhau. Nếu không ghi lại được thì di sản này sẽ biến mất khi các cụ mất đi” - TS Minh Lý cho hay.
Một số di sản khác như hát trống quân ở các huyện Phú Xuyên, Thường Tín… cũng đang ở tình trạng báo động. Mấy chục năm qua, đặc biệt giai đoạn đất nước phát triển này, di sản hát trống quân đã không còn được thực hành nhiều nữa.