Dân Việt

Đi đóng phim dễ như đi chợ: Học tài sao bằng chân dài

Ngọc Phương 21/08/2015 09:11 GMT+7
Cứ “chân dài”, “hot girl”, “hot boy” là có quyền đóng vai chính và có quyền... diễn dở!

Nói đến tính kỷ luật trên trường quay, giới làm nghề đều lắc đầu bảo hầu như không có. Trên phim trường của phim Việt hiện nay, mọi người làm việc với nhau với tinh thần “thông cảm” là chính. Song, sự thông cảm dần dà đã trở thành sự dễ dãi và chiều chuộng quá mức khiến các diễn viên càng coi thường công việc, nghề nghiệp mà họ đang làm.

Ngôi sao thì có đủ thứ quyền

Trong khi diễn viên trẻ diễn “chơi chơi” thì diễn viên lớn tuổi cũng được dịp “chơi” vì mãi ngồi chờ “ngôi sao”.

Một lần, chúng tôi chứng kiến cảnh tổ quay phim đã sẵn sàng, bộ phận ánh sáng lên đèn, 3 bạn diễn (2 người đã lớn tuổi) có mặt nhưng nam diễn viên chính trốn ra ngoài nghe điện thoại 20 phút, bắt cả ê-kíp phải ngồi chờ. Vì anh này là “ngôi sao” nên ai cũng chịu đựng, không dám nói một lời mặc dù rất sốt ruột. Đạo diễn chỉ nhắc nhở nhẹ, yêu cầu lần sau ra ngoài phải xin phép thì diễn viên này gãi đầu nói: “Anh thông cảm vì em phải trả lời phỏng vấn gấp. Xong cảnh này, em còn phải chạy đi quay 2 phim khác nữa”!

img

“Hot girl” Tâm Tít trong một phim truyền hình. (Ảnh do diễn viên cung cấp)

Nghệ sĩ Mai Trần kể mới đây, anh phải ngồi vật vã ngoài lề đường từ 22 giờ đến tận gần 1 giờ hôm sau để chờ một “chân dài” đến quay chung vì cô này chạy sô túi bụi nên tới trễ. Đã vậy, cô nàng lại còn mè nheo, õng ẹo, viện đủ lý do.

Nghệ sĩ Hữu Thành cho biết một lần, ông đội mưa chạy xe máy từ quận 10 xuống tận Thủ Đức, TP HCM để quay một phân đoạn ngắn nhưng phải chờ từ sáng đến trưa, diễn viên đóng vai chính vẫn chưa tới, điện thoại không liên lạc được. Chờ đến gần 13 giờ, vẫn chưa thấy tăm hơi chàng diễn viên này, đạo diễn nói mọi người thông cảm và hẹn quay vào một ngày khác. Một diễn viên phụ phải bật khóc vì ấm ức.

Có những diễn viên đến trễ, trốn đi làm việc riêng lúc đang quay nhưng lại thích ra oai theo kiểu chứng tỏ mình là ngôi sao. “Tôi là ngôi sao nên tôi có quyền” - lời tuyên bố lạnh lùng của một nữ người mẫu khi cô đến trường quay trễ khiến cả đoàn phim ngồi chờ phải giật mình. Ngôi sao có quyền đóng vai chính, quyền được nhắc thoại, được đi trễ, đến sau quay trước, được ra yêu cầu...

“Hôm quay, cô diễn viên chính không đến đúng lịch nhưng bữa sau, khi cô ấy tới, mọi người góp ý thì cô ta hằn học” - một nữ diễn viên kể lại.  Có lúc đạo diễn to tiếng, chửi bới thì diễn viên cáu gắt, lời qua tiếng lại khiến phim trường như cái chợ. Một đạo diễn nhận xét: “Tính vô kỷ luật ở phim trường ngày càng phổ biến”.

Theo đạo diễn Đinh Thái Thụy, dù trong hợp đồng đã ghi rõ điều khoản diễn viên phải bảo đảm lịch quay của nhà sản xuất và đoàn làm phim đưa ra song ít có đoàn phim nào xử lý nghiêm khắc. Một vài đoàn ra án phạt nhưng cũng mang tính chất “cho có” chứ không hiệu quả. Đại diện một nhà sản xuất uy tín khẳng định: “Nếu diễn viên vi phạm nhiều lần, chúng tôi sẽ… gạch tên trong danh sách chọn diễn viên ở các phim sau”.

Học tài sao bằng chân dài?

“Hiếm có nhà sản xuất hay đạo diễn nào dám phạt “ngôi sao”. Phạt rồi họ không thèm đóng nữa thì sao? Lúc ấy, chỉ có nhà sản xuất bị thiệt chứ các diễn viên đó có lo sợ gì đâu! Thời đại này, “chân dài”, “hot girl”, “hot boy” thiếu gì lời mời đóng phim” - diễn viên Mai Trần chua chát. Một người mẫu từng đi đóng phim cũng thừa nhận: “Thời này, muốn có một vai diễn trong phim không hề khó”.

Trên phim trường, đạo diễn là vua. “Nhưng bây giờ, đạo diễn không có quyền với diễn viên. Ngược lại, diễn viên có quyền lực ghê gớm thì phải. Thời của tôi, ra phim trường mà trễ một xíu, lơ ngơ một xíu là đạo diễn không cho đóng nữa. Ai nấy đều sợ uy của đạo diễn nên đâu dám trễ nải, lơ là, vi phạm các quy tắc” - diễn viên Nguyễn Hậu nhớ lại. Ông cho biết đạo diễn Lê Hoàng Hoa sẵn sàng đuổi diễn viên ra khỏi phim trường nếu vi phạm kỷ luật và sẵn sàng thay người nếu diễn không đạt.

Đa số đạo diễn bây giờ rất dễ dãi, cứ cho qua dù diễn viên làm gì hay diễn không ổn cũng chẳng sao. “Đạo diễn bây giờ phần đông không chuyên nghiệp, từ phó bộc hay từ anh quay phim, diễn viên lâu ngày theo đoàn lên làm đạo diễn nên mới có cách thức làm việc như vậy” - NSND Thế Anh lý giải.

Theo đạo diễn Đinh Thái Thụy, trước đây, đạo diễn là người chọn diễn viên nhưng nay, quyền này hoàn toàn thuộc về nhà sản xuất. Nhà sản xuất muốn gom “sao” để dễ PR, thu hút quảng cáo, thu hút khán giả…, thực tế này đã được báo chí và giới chuyên môn  phản ánh rất nhiều. “Chân dài mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất thì tất nhiên họ phải chiều chuộng rồi” - diễn viên Mai Trần bày tỏ.

Sự dễ dãi, chiều chuộng quá mức đã tạo cơ hội cho các diễn viên ra phim trường dù không thoại nỗi một lời, diễn đơ cứng, dở tệ mà vẫn đường hoàng bước vào phim với vai chính!

Không “sống” với nhân vật

NSƯT Lê Thiện ngán ngẩm: “Thời này làm diễn viên dễ quá!”. Các diễn viên trẻ giờ chỉ cần có ngoại hình và vài ba “mối quan hệ” là có thể ngang nhiên xuất hiện trên phim. Ra phim trường, họ diễn như trả bài, như một cái máy chứ không phải là hóa thân, nhập vai, sống cùng nhân vật hay dằn vặt, trăn trở, đau đáu vì nghệ thuật gì cả.

Ngày xưa, trước khi bấm máy chính thức những vai diễn khó, diễn viên phải có một giai đoạn gọi là “thâm nhập thực tế”. NSND Thế Anh khẳng định: “Đóng phim phải có quy trình chứ không phải ở trên trời rơi xuống hay ở dưới đất chui lên là đóng được”. Diễn viên Thương Tín cho biết thời đó, diễn viên không phải “diễn” mà chính xác là “sống” với nhân vật. “Chúng tôi đã gạt bỏ mọi thứ riêng tư để vui, buồn, hạnh phúc, đau đớn với nhân vật như chính bản thân mình. Thời gian đi thực tế, nghiên cứu, nhân vật đã ngấm vào trong chúng tôi. Nhờ vậy mà vai diễn hay, chân thật và chạm đến trái tim người xem” - diễn viên Thương Tín thổ lộ.