Dân Việt

Thủ tướng Hy Lạp bất ngờ từ chức, kêu gọi bầu cử sớm

Phương Đăng (theo Telegrahph) 21/08/2015 09:24 GMT+7
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm qua (20.8) đã đột ngột từ chức, chỉ 7 tháng sau khi nhậm chức, đồng thời kêu gọi bầu cử sớm vào ngày 20.9.

"Tôi sẽ gặp tổng thống để đệ đơn từ chức và xin ra khỏi chính phủ", ông Tsipras, người giữ chức thủ tướng từ tháng 1 đến nay tuyên bố trên truyền hình.

Thủ tướng Tsipras cũng cho biết, ông "cảm thấy có trách nhiệm đạo đức và chính trị sâu sắc" để trưng bày mọi thứ mà ông đã làm, cả thành công và thất bại, để người dân đánh giá, phán xét sau khi các bộ trưởng Tài chính khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) thông qua gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ Euro (95 tỷ USD) cho Hy Lạp.

img

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vừa bất ngờ từ chức hôm qua

Ông Tsipras, một chính trị gia cánh tả, từ chức trong bối cảnh ông đang phải đối mặt với một cuộc nổi loạn nội bộ bên trong đảng cầm quyền Syriza của ông. Gần đây, Thủ tướng Tsipras đã mất đi sự ủng hộ của 1/3 nghị sĩ đảng Syriza -  những người đang tức giận vì ông đã không giữ đúng lời hứa trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 1 là sẽ chấm dứt những biện pháp thắt lưng buộc bụng mà các chủ nợ quốc tế đã buộc Athens phải chấp nhận nhằm đổi lấy những khoản cứu trợ. 

Nói cách khác, nhiều nghị sĩ đảng Syriza của Thủ tướng Tsipras phản đối việc ông Tsipras nhượng bộ, chấp nhận tăng thuế và cắt giảm lương hưu để đổi lấy gói cứu trợ 95 triệu USD sau những tháng đàm phán căng thẳng, nhiều tranh cãi với các chủ nợ - gồm các nước láng giềng châu Âu của Hy Lạp, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Đó là điều mà ông từng tuyên bố sẽ không làm, nhưng đã làm, và được các nhà lập pháp đối lập ủng hộ. Đây là khoản cứu nguy thứ 3 dành cho Hy Lạp trong 5 năm qua.

Đảng cánh tả của ông Tsipra lên nắm quyền sau một cuộc bầu cử quốc hội chóng vánh vào tháng 1 sau khi tranh cử dựa trên chủ trương chống lại các biện pháp thắt lưng buộc bụng và cam kết đàm phán lại những điều khoản của gói cứu nguy quốc tế khổng lồ dành cho Hy Lạp.

Hy Lạp hôm qua nhận được 13 tỷ Euro (14,5 tỷ USD) đầu tiên của gói cứu trợ, giúp Athens trả món nợ 3,2 tỷ Euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu và tránh vỡ nợ cũng như tránh bị loại ra khỏi khối sử dụng đồng tiền chung.

Trước đó, ngày 19.8, Quốc hội Đức đã tổ chức biểu quyết chấp thuận gói cứu nguy 95 tỷ USD dành cho Hy Lạp. Đức là quốc gia đóng góp lớn nhất cho gói chứu nguy kinh tế này, do đó,nó cần được Quốc hội Đức thông qua mới có hiệu lực.

Trước giờ biểu quyết, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schnaeuble đã tuyên bố với các nhà lập pháp rằng, sẽ là "vô trách nhiệm" nếu không thông qua thỏa thuận cứu nguy cho Hy Lạp, vì nước này nói riêng và vì Liên minh châu Âu nói chung.