Dân Việt

5 bí ẩn thời cổ đại chưa được hóa giải

Việt Lâm (tổng hợp) 21/08/2015 09:36 GMT+7
Các nhà khảo cổ mới tìm thấy một cánh cửa nằm trong phòng chôn cất Pharaoh Tutankhamun, có thể dẫn tới nơi đặt xác ướp của Nữ hoàng Nefertiti Sự kiện này cũng đặt ra dấu hỏi, rằng còn những bí ẩn nào của thế giới cổ đại vẫn chưa được khám phá?

Tuần qua, thế giới xôn xao sau khi tiến sĩ Nicholas Reeves, thuộc trường Đại học Arizona, tuyên bố ông đã tìm thấy 2 cánh cửa bị bịt kín đằng sau bức tường trong phòng lưu giữ xác ướp của Pharoah Tutankhamun ở Thung lũng các vị Vua.

Nhiều khả năng cửa này dẫn tới một ngôi mộ khác và rất có thể trong đó chứa xác ướp của Nữ hoàng Nefertiti, người vẫn được cho là mẹ của Tutankhamun.

Reeves đưa ra tuyên bố này sau khi nghiên cứu những bức ảnh có độ phân giải cao chụp các bức tường trong phòng chôn của lăng mộ Tutankhamun. Thời gian sẽ trả lời cho tuyên bố của tiến sĩ Reeves, tuy nhiên thông tin này đang thu hút nhiều quan tâm của giới khảo cổ và những người săn kho báu khắp thế giới.

Cùng với nơi chôn cất xác ướp của Nefertiti, còn những bí ẩn nào vẫn đang khiến giới khảo cổ đau đầu?

1. Kho báu Norfolk của vị vua “xấu xa” John. Những năm 1200, vị vua của nước Anh đã thực hiện một hành trình vòng quanh đất nước để thu thuế và đã gom được rất nhiều của cải. Tuy nhiên khi ở vùng Norfolk, ông bị ốm nên quyết định chọn con đường dài hơn, nhưng tốt hơn để về vương quốc.

Ông cũng ra lệnh cho đội quân áp tải kho tiền của thu thuế đi về qua một cung đương ngắn hơn, nhưng nguy hiểm hơn, do phải băng qua các đầm lầy, các vùng cát lún và triều lên bất thường.

Vua John nổi tiếng nóng nảy nên không ai dám trái lệnh ông. Nhưng vì những lý do bí ẩn, toàn bộ đạo quân gồm từ 2.000 - 3.000 người lính, những con vật đi theo họ, các xe chở tiền, vàng và của cải đã biến mất, không bao giờ tới đích.

2. Kho báu bí ẩn trên cuộn danh sách bằng đồng. Cuộn danh sách bằng đồng (Copper Scroll) có niên đại từ thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên, được phát hiện trong một hang động ở Qumran (Israel) vào năm 1952.

Đây là một trong số 981 văn bản khác nhau được tìm thấy ở Qumran, trong khoảng thời gian từ năm 1946 tới 1956. Nó có ý nghĩa đặc biệt vì được cho là chỉ dẫn đến một bản đồ kho báu.

Văn bản này làm từ đồng cán mỏng, chỉ dẫn đến 64 địa điểm "cất giấu kho báu" khác nhau. Nó cũng đưa ra một số hướng dẫn cụ thể để tìm kho báu.

Mặc dù không có bằng chứng rõ ràng giống như những cuộn giấy Biển Chết để chứng tỏ sự tồn tại của những kho báu đã được cất giấu, khá nhiều người vẫn mở cuộc truy tìm kho báu có giá trị được nêu trong văn bản kể trên.

3. Thành phố bí ẩn Paititi: Truyền thuyết nói rằng El Dorado là một thành phố nằm trong khu rừng già Amazon của Nam Mỹ, thuộc về người Inca, bên trong chứa rất nhiều vàng bạc. Theo một số nhà quan sát, truyền thuyết có thể hình thành dựa trên thành phố Paititi đã biến mất.

Paititi nổi tiếng sau cuộc chiến kéo dài 40 năm, giữa người Tây Ban Nha với người Inca của Peru. Cuộc chiến chấm dứt vào những năm 1570 với thắng lợi thuộc về người Tây Ban Nha. Tuy nhiên, khi bước vào thành trì của người Inca, họ thấy kẻ thù của mình đã mang các kho vàng lớn đi mất.

4. Hầm tiền ở đảo Oak: Tọa lạc ở ngoài khơi bờ biển Nova Scotia, phía Đông Nam Canada, đảo Oak nằm trong số những di chỉ được khai quật nhiều nhất thế giới và đến nay vẫn thi thoảng cho ra các phát hiện mới giá trị.

Huyền thoại về hầm tiền chôn ở đảo này đã được nói đến từ nhiều thế kỷ qua. Tương truyền vào năm 1795, cậu bé Daniel McGinnis, 16 tuổi và một người bạn của mình đã nhìn thấy một dấu tròn trên đảo, như thể có ai đó đã đào một cái hầm ở đây rồi lấp lại. 2 cậu đã háo hức đào xuống chỗ có dấu tròn, sâu tới hơn 9 mét.

img

Văn kiện bằng đồng, được cho là chỉ dẫn đến 64 địa điểm cất giấu kho báu khác nhau

Tuy nhiên ngoài cuốc chim, các phiến đá lát đường và bục gỗ, họ chẳng tìm thấy bất cứ thứ gì thực sự có giá trị. Kể từ đó đến nay đã có nhiều người tìm tới đảo và tiến hành khai quật, song rốt cục họ vẫn chưa thể tìm thấy kho báu.

5. Mộ Tần Thủy Hoàng: Sau khi qua đời, Tần Thủy Hoàng (260 – 210 trước Công nguyên) được chôn trong một khuôn viên rộng lớn, xung quanh là hàng ngàn chiến binh đất nung canh giữ giấc ngủ cho ông. Tuy nhiên cho đến nay, mới chỉ có một phần của di chỉ này được khai quật.

Tương truyền rằng quanh lăng mộ này có các hào chứa thủy ngân độc hại để ngăn nạn cướp phá mộ. Dường như đây là một trong các lý do để các nhà khảo cổ khám phá di chỉ này rất chậm. Rất có thể có nhiều của báu và cả di hài của Tần Thủy Hoàng vẫn đang nằm sâu dưới mộ, chờ ngày được khai quật.