Dân Việt

Những con đường lầy lội mà ấm tình người!

Bùi Việt Phương 21/08/2015 14:19 GMT+7
Con đường đất đỏ lầy lội khi mưa ở làng, bản khi xưa được bắt đầu từ lối đi rừng phát rẫy, lấy củi, săn bắn… của những người dân khai hoang, lập bản. Dần dà, lối cỏ mòn, bàn chân đi quen mà thành đường...

Ngày nay, dẫu về các vùng nông thôn ở đồng bằng hay miền núi, chúng ta đều bắt gặp những con đường bê tông cứng cáp, sạch sẽ nối liền thôn xóm. Nhưng vẫn còn đó những bản, làng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn mà mỗi mùa mưa lũ đến, đường lại đặc quánh bùn lầy. Tuy chỉ là khó khăn nhất thời về giao thông, nhưng nó gợi cho ta ký ức về một thời gian khó.

Con đường đất đỏ năm xưa dẫn vào các bản làng miền núi thường bắt đầu từ lối đi rừng phát rẫy, lấy củi, săn bắn… của những người dân đầu tiên khai hoang, mở cõi. Dần dà đông đúc thành bản, làng trên xóm dưới xum vầy. Lối cỏ cũng mòn, bàn chân đi quen mà thành con đường của cộng đồng, thành cầu nối giữa vùng này với vùng khác. Ngày nắng, lớp cỏ dày ven đường giữ cho đường không tung bụi đỏ như các con đường dưới phố đông. Còn vào mùa mưa lũ, có những con đường lại thành dòng suối, khe, rãnh để thoát nước từ đồi núi đổ về mà ngập ngụa bùn lầy. Những khi ấy, mỗi lần ra khỏi bản là cả một sự cực nhọc, người cùng xe cộ bê bết bùn đất.

img

Con đường vào bản lầy lội khi trời mưa (Ảnh: BVP)

Chính trên các con đường như thế, một thời lũ trẻ chúng tôi đã đến trường mà bùn lấm lem khắp người. Bùn theo cả vào lớp học, lấm vào bàn ghế, sách vở và đi theo những giấc mơ tuổi thơ. Những thầy, cô giáo không ngại gian nan mang con chữ lên với bản làng thời đó (và ngày nay vẫn còn nhiều giáo viên tâm huyết như thế) cũng “chân lấm tay bùn” như học trò (dẫu không phải cày cuốc) để khai tâm, mở trí cho lũ trẻ. Tình thầy trò dường như đậm đà hơn từ trong khó khăn, thiếu thốn.

Những con đường ấy cũng là nơi cha mẹ chúng tôi lặn lội chăn bò, vác củi, đi nương… cả trong những ngày mưa, nắng, gió, rét. Hạt lúa nương, bắp ngô, củ sắn cũng lấm bùn mà sao vẫn ngọt ngào, thơm tho ấm lòng người khi đói. Sau này lại chứng kiến những cán bộ miền xuôi lặn lội lên hướng dẫn kĩ thuật trồng trọt, phổ biến các chính sách của nhà nước, tuyên truyền vận động sinh đẻ có kế hoạch… Mỗi khi xe đạp, xe máy của họ chết máy hay mắc kẹt giữa “con suối bùn” lại được người dân qua đường chung tay giúp đỡ. Đi trên con đường ấy chẳng ai có thể ích kỷ, dửng dưng mà phải cùng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

Con đường lầy lội khi xưa giờ đây đang dần nhường chỗ cho những mặt đường bê tông khang trang do chính quyền và người dân ở mỗi địa phương chung sức xây dựng, đã làm nên sắc khí mới cho cuộc sống vùng nông thôn. Nhưng tình cảm của cộng đồng cùng những kỷ niệm vui buồn từ thời "đất níu, cuốn chân người" thì luôn lắng đọng mãi trong mỗi người, là sự đầm ấm sẻ chia, giúp đỡ nhau cùng vượt qua những chông gai, ngày giáp hạt... để sống có ý nghĩa hơn, tạo nên vẻ đẹp trường tồn cho làng quê Việt Nam.