Nhà văn Diana Wynne Jones
Dinna Wynne Jones (1934 - 2011) là tác giả của vô vàn bộ truyện kì ảo nổi tiếng, được coi là một trong những trụ cột nền tảng của văn học kì ảo hiện đại. Bà là tác giả của Lâu đài bay của Pháp sư Howl, tác phẩm đã được dựng thành bộ phim hoạt hình tuyệt vời do đạo diễn kì tài người nhật bản Hayao Miziyaki thực hiện tại Studio Ghibli. Tác phẩm của bà nổi tiếng với giọng văn thông minh và hài hước.
Diana là một trong những tác giả đã tạo ra vũ trụ của thế giới phép thuật thần kì nhất. Bà viết một cách thành thạo và thống nhất theo thuyết “multiverse” – tức các thế giới và vũ trụ song hành nhau. Nguồn gốc của các thế giới song song này là bà cho rằng, mỗi khi có một sự kiện lịch sử xảy ra trên thế giới, sẽ lập tức có hai thế giới được tách ra từ thé giới nguyên bản: 1 thế giới nơi sự kiện đó đã xảy ra, và một thế giới khi nó không xảy ra.
Như bà đã từng viết trong Biên niên sử Chrestomanci: “… thế giới của chúng ta có đầy phép thuật, trong khi thế giới ngay cạnh chúng ta, lại hoàn toàn không có chút phép thuật nào mà nghiên về phát triển cơ khí". Bà lí giải sự kiện này là do có một vụ nổ ở một thời điểm trong lịch sử, đã làm bắn toàn bộ phép thuật sang một thế giới, và làm cho thế giới còn lại hoàn toàn “thực tế”.
Cảnh phim Lâu đài bay của Pháp sư Howl
Đây là một thuyết sau này được áp dụng nhiều lần trong truyện tranh phương Tây. Và trong vũ trụ thần kì của bà, khi nhiều thế giới phép thuật được tạo ra, những câu chuyện liên kết giữa các thế giới được bà kể lại theo những góc nhìn tuyệt vời của trẻ con.
Điều đặc biệt là thế giới bà tạo ra rất thống nhất: phép thuật có, màu nhiệm có, nhưng đồng thời nó cũng là một xã hội có lề thói, có hệ thống quản lí và cũng có đủ mọi loại người tốt xấu lẫn lộn. Phép thuật, đối với Diana Wynne Jones, là một phương tiện để bà kể lại những câu chuyện xung quanh bà, tái tạo lại cả thế giới mà chúng ta biết.
Những câu chuyện này được kể lại dưới góc nhìn rất chi tiết của trẻ con. Dường như Diana Wynne Jones không bao giờ ngừng nhìn mọi sự vật dưới con mắt của những đứa trẻ: bà biết chúng sẽ nhìn thấy những gì, đặt câu hỏi ở đâu, và đặc biệt, bà luôn biết được những sai lầm trẻ em sẽ mắc phải.
Bà thấu hiểu đến lạ kì thế giới của trẻ em, và bà luôn khoan dung với những sai lầm đó của trẻ nhỏ bằng việc kết thúc có hậu. Nhưng đồng thời, những nhân vật của bà luôn tự cố gắng sửa chữa sai lầm của mình, và dù là trẻ con cũng phải biết rằng mỗi hành động đều có hậu quả, và chúng phải tự dũng cảm để đứng lên nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm. May mắn thay, mọi cố gắng phép thuật của những đứa trẻ nắm quyền năng mạnh mẽ luôn giúp cho thế giới đầy nhiệm màu không bị vỡ tung.
Có những điều này có lẽ là do, bà nhớ rất kĩ những kỉ niệm thời nhỏ tuổi của mình. Lớn lên trong thời kì Thế chiến thứ 2, bà đã bắt đầu viết để giải tỏa vì “… cả cuộc sống xung quanh tôi như đều đảo điên.” Từ London quê nhà, bà và chị em gái của mình thường được đưa đi di tản đến những vùng quê yên bình. Trong những câu chuyện tự thuật, bà nhớ rất rõ từng chi tiết, hình ảnh và kỉ niệm của những nơi mình đi qua do có trí nhớ hình ảnh siêu phàm. Bà kể lại, người đầu tiên để lại ấn tượng về sức mạnh của ngôn từ là người ông ngoại với thứ tiếng xứ Wales bà không hiểu một từ nào.
Ông của Diana là một người giảng đạo có tiếng trong vùng, như sau này bà mới biết. Khán giả của ông vượt đoạn đường đến 40 dặm (240km) để đến nghe ông nói mỗi chủ nhật. Cho dù không hiểu một tiếng nào của thứ ngôn ngữ xứ Wales kì lạ so với tiếng Anh phổ thông, bà đã bị cuốn hút không rời mắt, lắng nghe như rót mật từng luồng âm thanh lên bổng xuống trầm của thứ ngôn ngữ kì diệu. Có lẽ đây chính là những ý tưởng đầu tiên của bà về ngôn ngữ có ma lực pháp thuật: đó là những tràng sấm rền mà dù không hiểu, mỗi đứa trẻ đều cảm nhận được quyền năng của giọng nói ấy.
Chrestomanci – nhân vật quyền năng nhất trong bộ truyện, cũng là một con người đầy quyến rũ và duyên dáng, được lấy hình mẫu từ những nét đẹp trong chính gia đình bà, mà bà nói rằng mình hoàn toàn không được hưởng.
Nhiều năm sau, khi đã đứng tuổi và con cháu đề huề, bà vẫn còn mơ thấy người ông mình hiện ra trong giấc mơ, sang sảng cất tiếng nói xứ Wales hỏi bà về những tội lỗi trong đời, làm bà giật mình tỉnh dậy trong đêm khuya.
Bà cũng là một trong những đứa trẻ hay mắc sai lầm nhất trong những hồi kí của mình. Đó thường là những sai lầm rất dễ thương và đáng yêu, hoàn toàn có thể thông cảm với trẻ nhỏ. Bà từng xóa mất đến hơn năm mươi bức tranh vẽ hoa nổi tiếng của họa sĩ nổi tiếng John Ruskin, chỉ vì bà – mới 5 tuổi, đi tìm giấy vẽ và nghĩ rằng vẽ mỗi một bông hoa lên tờ giấy to thì thật tốn kém. Vì vậy, hơn ai hết bà hiểu những lỗi lầm ngây thơ của trẻ em, tuy vậy lại để lại hậu quả sau này. Hiểu được hậu quả của những hành động đó thì chính đứa trẻ đã lớn lên một chút.
Đồng thời, việc ở chung với nhiều bà mẹ và nhiều đứa trẻ, trong khi mẹ bà lại ở thành phố không thể về chăm sóc, khiến cho không ít lần bà bị phạt oan và đối xử bất công. Là một đứa trẻ thẳng thắn, luôn thể hiện những gì mình cảm thấy, đôi khi bà bị chính mẹ mình mắng và hắt hủi do phản đối lại bất công. Những người lớn đôi khi làm những điều hoàn toàn do cảm tính, theo ý thích của mình đến vô lí. Bà là người hiểu suy nghĩ của trẻ con về hành động của người lớn rõ nhất.
Chuỗi thế giới song hành – tranh độc giả của bà
Và cả thế giới của Howl cũng vẫn còn rất nhiều tác phẩm kể nhiều câu chuyện nữa
Khi cô đơn, bà tự nghĩ ra những cuộc phiêu lưu cho mình và các chị em gái. Bà hiểu được niềm xúc động của sự bầu bạn, giá trị của gia đình. Những cuộc phiêu lưu của bà, vô hại cũng có, mà thậm chí đến những trò “nghịch dại” như đi trên nóc mái nhà, treo nhau lên bằng dây thừng… cũng có. Vì vậy, hơn ai hết, bà hiểu được niềm yêu thích phiêu lưu đến liều lĩnh của trẻ nhỏ, sự kì thú của khao khát khám phá cháy bỏng của trẻ thơ.
Độc giả đọc sách của Diana, cũng chính là đi tìm lại những suy nghĩ xưa cũ, và cũng là trải qua quá trình lớn lên của bản thân mình lại một lần nữa.