Tại cuộc gặp báo chí nhân kỷ niệm 70 năm ngành ngoại giao Việt Nam, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thẳng thắn chia sẻ những chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng như những thách thức mà ngoại giao Việt Nam gặp phải trong các mối quan hệ quốc tế.
Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn báo chí chiều 21.8. Ảnh: Đ.T
Không ít trường hợp nước lớn bắt tay sau lưng nước nhỏ
Thưa Phó Thủ tướng, trong lịch sử, nhiều lần nước lớn đã bắt tay sau lưng Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của Việt Nam. Chính sách đối ngoại của Việt Nam như thế nào trong việc quan hệ với các nước lớn?
- Luôn luôn trong các mối quan hệ quốc tế, một trong những bài học là làm sao giữ vững độc lập chủ quyền trong đường lối đối ngoại. Điều này ta đã thành công trong các chủ trương, chính sách, hoạt động đối ngoại 70 năm qua, thể hiện qua các thời kỳ đàm phán như Hiệp định Geneve năm 1954, đặc biệt là Hiệp định Paris 1973.
Trên cơ sở lợi ích quốc gia, điều quan trọng khi quan hệ với các nước làm sao giữ được cân bằng trong quan hệ, phục vụ phát triển. Trong quan hệ quốc tế bao giờ cũng có vấn đề song trùng lợi ích… Các nước lớn bắt tay sau lưng nước nhỏ là tổng kết chung trong lịch sử quan hệ của quốc tế. Điều đó không phải là ít. Khi các nước đạt lợi ích thì cũng có thỏa thuận có hại cho nước khác. Ta phải đánh giá được tình hình, có chủ trương đúng, linh hoạt để tránh các nước có thể thỏa thuận những vấn đề bất lợi cho lợi ích của chúng ta. Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực cạnh tranh quyết liệt của tất cả các nước, từ đó tạo ra thách thức đối với các nước.
Chúng ta đã xây dựng được khuôn khổ quan hệ với các nước, trong đó với Trung Quốc là xây dựng quan hệ đối tác toàn diện chiến lược, với Mỹ là quan hệ đối tác toàn diện. Với mỗi nước có mục tiêu rất cụ thể, trên cơ sở xây dựng quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, tạo ra sự tin cậy.
Có ý kiến mong muốn thời gian tới, Bộ Ngoại giao góp phần với Đảng, Chính phủ “giải quyết sòng phẳng mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước lớn, trong đó có Mỹ và Trung Quốc và sòng phẳng theo nghĩa, họ đã giúp chúng ta những gì và họ đã làm những gì với chúng ta”. Xin cho biết quan điểm của Bộ Ngoại giao về điều này?
- Trong quan hệ ngoại giao, Việt Nam có chủ trương giúp chúng ta mở rộng được quan hệ với các nước, đó là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Chúng ta chỉ gác lại chứ không quên quá khứ. Việt Nam là một trong những nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, bị nhiều nước từng có những hành động thù địch, kể cả xâm lược, nhưng với chủ trương gác lại quá khứ để hướng tới tương lai, chúng ta đã mạnh dạn nhìn về phía trước. Đưa quan hệ với các nước tiến lên đảm bảo cho Việt Nam một môi trường hoà bình, ổn định để phát triển và mở rộng các mối quan hệ.
Trong thực tế, nhiều nước dai dẳng với vấn đề quá khứ, không hướng tới tương lai, điều đó gây cản trở cho quan hệ của chính nước đó. Việt Nam đã mở rộng quan hệ với nhiều nước, thậm chí đã đưa quan hệ với những nước cựu thù đi vào khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược. Điều đó chứng tỏ chủ trương của chúng ta đúng.
Tạo hoà bình, ổn định không nhất thiết phải liên minh
Thách thức rất lớn đối với ngoại giao hiện nay là vấn đề xung đột trên Biển Đông. Đặc biệt, việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng các đảo nhân tạo ảnh hưởng đến nguyên trạng Biển Đông. Thời gian tới, ngành ngoại giao sẽ có những bước đi thế nào liên quan đến tình hình này?
- Diễn biến Biển Đông đang hết sức phức tạp. Chủ trương lớn nhất của chúng ta: Khẳng định chủ quyền nhưng giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Điều đó có nghĩa là chúng ta không muốn giải quyết biện pháp nào khác biện pháp hòa bình, và cũng đòi hỏi muốn các nước cũng phải giải quyết bằng biện pháp hoà bình, không được sử dụng vũ lực.
Điều này luôn được Việt Nam nêu rõ trong các diễn đàn quốc tế. Chúng ta luôn phải chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất, nhưng luôn muốn tốt nhất là đảm bảo để không xảy ra xung đột; phản đối hoàn toàn các hành động đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông.
Với mục đích đó, chúng ta có những đàm phán trực tiếp với các nước như với Trung Quốc để phân định biên giới biển, cùng với ASEAN yêu cầu thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trong tất cả các văn kiện của ASEAN đều nêu câu “sớm hoàn tất COC”.
Vấn đề là bộ quy tắc ứng xử phải có được sự đồng thuận của các bên tham gia, bao gồm Trung Quốc. Năm nay có một điểm mới là ASEAN đã tiến từ trao đổi, tham vấn sang giai đoạn thương lượng, nghĩa là đã bắt đầu có văn bản. Vẫn cần một quá trình để hai bên thống nhất với nhau bằng văn bản.
Quan điểm của Việt Nam là sớm nhất có thể được và đây cũng là cố gắng chung của ASEAN. Cụ thể chúng ta đã nêu trong năm nay phải đạt được COC. Đó là mong muốn của chúng ta và ASEAN, nhưng còn cần các nước liên quan. Song do có nhiều nước tham gia nên Việt Nam không thể quy định thời gian cho các nước khác được. Các bên phải cùng nhau thống nhất, khi đã có nội hàm quy tắc ứng xử mới chuyển sang ký kết.
Có ý kiến cho rằng Việt Nam không liên minh thì không thể giải quyết vấn đề Biển Đông, song với Việt Nam, kinh nghiệm lịch sử cho thấy với chủ trương độc lập tự chủ, chúng ta bảo vệ chủ quyền bằng sức mạnh tổng hợp, không đi với nước này để chống nước kia, mà quan hệ tốt với tất cả các nước để tạo môi trường hòa bình, ổn định, không nhất thiết phải liên minh.
Cùng lúc vấn đề Biển Đông và vấn đề biên giới với Campuchia nổi lên, ngoại giao Việt Nam sẽ ứng phó với những vấn đề này như thế nào để không bị cô lập, thưa Phó Thủ tướng?
- Về Biển Đông: Diễn biến hết sức phức tạp, nhưng mong muốn chung của các nước và cũng là của Việt Nam là không để xảy ra xung đột. Quan điểm của ta là giải quyết bằng biện pháp hòa bình, các nước cũng muốn duy trì ổn định để không ảnh hưởng đến giao thông, tự do hàng hải ở khu vực. Lợi ích chung của các nước là duy trì hòa bình ổn định.
Chúng ta phấn đấu không để xảy ra bất ổn ở Biển Đông. Với mục đích đó, chúng ta có những đàm phán trực tiếp với các nước như với Trung Quốc để phân định biên giới biển, cùng với ASEAN yêu cầu thực hiện DOC, xây dựng COC với mục đích đảm bảo không có hành động dẫn tới xung đột. Đó là mục đích cao nhất của chúng ta. Chúng ta luôn phải đối phó với tình huống xấu nhất, nhưng luôn muốn tốt nhất là đảm bảo để không xảy ra xung đột.
Với Campuchia, chúng ta luôn muốn xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định với các nước láng giềng. Việt Nam đã phân giới cắm mốc và xây dựng đường biên giới với Trung Quốc. Với Lào cũng đã cắm mốc trên toàn bộ đường biên giới, và tôn dày các cột mốc.
Với Camuchia, chúng ta đã đạt hoàn thành hơn 80% công tác phân giới cắm mốc. Còn lại 17-18% chưa được phân giới cắm mốc và hai bên đang nỗ lực hoàn tất. Nhưng việc phân giới cắm mốc với Campuchia tuân thủ đúng luật pháp quốc tế, theo đúng những văn bản thỏa thuận hai bên đã ký kết và những bản đồ mà hai bên đều công nhận. Cho đến nay, trên cơ sở luật pháp quốc tế và thỏa thuận hai nước là hoàn toàn chính xác.
Việc đảng đối lập Campuchia gây ra vấn đề đó là hoàn toàn sai trái, phá hoại quan hệ Việt Nam - Campuchia. Chúng ta tin tưởng với sự phân chia công bằng hợp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, hai bên sẽ đảm bảo hoạt động phân giới cắm mốc. Dù bất cứ lực lượng nào muốn chống đối cũng không thể chống đối được luật pháp quốc tế, cơ sở bản đồ mà hai bên chấp nhận.
Vừa qua, Chính phủ Campuchia tuyên bố bản đồ Campuchia được Liên Hợp Quốc và Pháp cung cấp hoàn toàn là bản đồ đang sử dụng trong phân giới cắm mốc với Việt Nam. Đó là cơ sở rất quan trọng. Chúng ta tin rằng không thể có xung đột trên biên giới vì chúng ta luôn xây dựng quan hệ Việt Nam - Campuchia tốt đẹp, trên cơ sở quan hệ hai nước giải quyết các vấn đề. Vấn đề phân giới cắm mốc đang được triển khai, thì hoàn toàn không có xung đột.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!