Dân Việt

Hàng chục đại gia Việt mất trăm, nghìn tỷ chỉ trong 1 tuần

Hoàng Long 23/08/2015 13:00 GMT+7
Hàng chục đại gia Việt đã mất trăm, nghìn tỷ đồng do cổ phiếu lao dốc. Bên cạnh đó, sếp lớn của Mía đường Tây Ninh bị bắt giam và ông Đặng Thành Tâm công bố thông tin về lời đồn thất thiệt hướng vào Công ty Kinh Bắc… là những thông tin được chú ý nhất tuần qua.

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng mất hơn 1.400 tỷ đồng

Tuần qua, chứng khoán Việt Nam gặp cơn “địa chấn” khi Trung Quốc liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ. Theo đó, nhiều “ông lớn” trên sàn chứng khoán Việt Nam cũng bị mất đi hàng nghìn tỷ đồng.

img

Là người giàu nhất Việt Nam, nắm trong tay 532 triệu cổ phiếu VIC, ông Phạm Nhật Vượng đang trực tiếp sở hữu gần 29% cổ phần của Vingroup. Cổ phiếu VIC chỉ giảm 2.700 đồng nhưng tài sản của ông Vượng đã giảm tới 1.436 tỷ đồng.

Vợ chồng đại gia Trần Đình Long mất trắng 546 tỷ đồng

Giống như ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG), ông Trần Đình Long cũng phải ngậm ngùi nhìn khối tài sản hàng trăm tỷ bốc hơi. Ông Long hiện đang sở hữu hơn 180 triệu cổ phiếu HPG. Với số cổ phiếu này, ông Long đang nắm giữ khối tài sản có giá trị 5.961 tỷ đồng, tính đến ngày 19/8.

img

Vợ Chủ tịch Long, bà Vũ Thị Hiền cũng đang nắm trong tay hơn 53 triệu cổ phiếu Hòa Phát. Giá trị tài sản của bà Hiền cũng bị giảm 122 tỷ đồng sau 1 tuần. Cả hai vợ chồng đại gia này mất tổng cộng 546 tỷ đồng trong tuần qua

Dương Ngọc Minh

Ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG) cũng mất đi 210 tỷ đồng trong khối tài sản của mình trong tuần qua khi Trung Quốc phá giá tiền tệ.

img

 Tính đến ngày 19/8, ông Minh đang nắm trong tay hơn 71 triệu cổ phiếu HVG, tương ứng khối tài sản trị giá 1.243 tỷ đồng. Ngoài Hùng Vương, ông Minh cũng đang sở hữu 200.000 cổ phiếu của Việt Thắng Food, nhưng cổ phiếu này có biến động giá không đáng kể trong tuần vừa qua.

Ngoài những đại gia kể trên, còn một số cái tên đáng chú ý khác có thể nhắc tới như: Ông Trịnh Văn Quyết (FLC) mất 32 tỷ đồng, bà Cao Thị Ngọc Dung (PNJ) mất 22 tỷ đồng, ông Đỗ Quang Hiển (SHB) mất 17 tỷ đồng, ông Đặng Thành Tâm mất 91 tỷ đồng, ông Đỗ Hữu Hạ mất 53 tỷ đồng…

Bắt giam Tổng giám đốc Công ty Mía đường Tây Ninh

Trong khi nhiều đại gia lớn mất tiền thì tuần qua công an tỉnh Tây Ninh vừa thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Trần Cảnh Lạc (61 tuổi) nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh để điều tra hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, ngày 24.4.2014, cơ quan điều tra công an tỉnh Tây Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Cảnh Lạc và ông Nguyễn Xuân Danh (nguyên trưởng phòng Kinh doanh của công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh).

img

Tuy nhiên, khi khởi tố chỉ một mình ông Danh bị bắt tạm giam, còn ông Lạc được cho tại ngoại để điều tra, đến nay mới bị bắt giam.

Theo điều tra của cơ quan công an, trong thời gian làm Phó phòng kinh doanh rồi Trưởng phòng, Danh đã tư vấn cho ông Lạc ký hợp đồng bán hàng cho các đối tác Trung Quốc bằng hình thức trả chậm, sau đó các đối tác này không trả.

Tổng cộng, ông Lạc và ông Danh đã cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế và gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 55 tỉ đồng (công ty Mía đường Tây Ninh là doanh nghiệp nhà nước).

Đặng Thành Tâm lên tiếng dập tin đồn

Thời gian gần đây, do có nhiều thông tin có khả năng gây thiệt hại cho cổ đông, nên ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) đã công bố thông tin mới nhất về tình hình công ty để cổ đông nắm được. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu KBC trong thời gian 30 ngày.

img

Mặt khác, Công ty Cổ phần KCN Sài gòn – Hải Phòng trực thuộc KBC vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tặng cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu do có thành tích xuất sắc thu hút đầu tư nước ngoài.

KBC chuẩn bị ký các hợp đồng thuê đất ước tính khoảng 20ha, tương đương hơn 300 tỷ đồng. Khách hàng của KBC chủ yếu là các doanh nghiệp đầu tư nước nước ngoài, nên KBC hưởng lợi từ USD tăng giá. KBC cũng đã cơ cấu toàn bộ các khoản nợ trước đây trong thời gian khó khăn, được gia hạn từ 3-5 năm.

Hiện có hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong hệ thống các KCN của KBC.