Người Việt, dù ở Đồng bằng Bắc bộ sớm hôm sau lũy tre, với ruộng vườn hay ở phương Nam sông nước nô nức ghe thuyền thì vẫn ưa nhà tre, mái lá. Thoảng khi đã quần cư, tiền bạc khá giả mới dựng gian nhà ngói, cây mít có tường gạch, tường trình hay thưng gỗ, nhưng vẫn giản đơn, mộc mạc đội nắng, đón mưa.
Nhưng ở thảo nguyên, lẽ ứng xử với tự nhiên lại là sự kết hợp giữa kiên định và mềm dẻo. Bởi thế nên nhà gỗ là giải pháp dung hòa được cả đôi đường, càng lâu càng chắc khỏe, thời gian mài nhẵn những vết đẽo thô của dao, lên nước đen bóng như một thứ sơn của những trải nghiệm cuộc đời.
Lắc lư tay lái qua những cung đường mòn ổ gà, có lúc chỉ nhường đủ một bánh xe, chúng tôi đã gặp và vào một căn nhà cổ ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Nếu như đang ở một thành phố, thị trấn, có khi cả ngôi nhà sàn lộng lẫy chạm khắc cũng mờ nhòe giữa những đường nét rườm rà đông đúc của phố thị. Nhưng ở đây, giữa cảnh tiêu sơ ấy, khi dọc đường chỉ gặp những nhà tạm, lều canh thì ngôi nhà làm bằng gỗ đinh trên nền đất cao này đã chợt gợi lên cho tôi bao ký ức. Người đường xuôi lâu nay vẫn bảo “trở củi về rừng”, nói thế không hẳn là ở rừng đã dễ dựng được nhà gỗ, nhất lại làm bằng gỗ quý như đinh hương hay sến, nghiến…
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là diện mạo trầm mặc của ngôi nhà này. Thường thì, trong kiến trúc, gỗ đem lại cảm giác ấm và vui. Nhưng nhà ở đây, như thứ lịch vô hình ghi lại những mùa mưa rừng bạc màu gỗ, trơ từng thớ thịt gỗ. Gỗ cứ mặc cho mưa trút một cách nhẫn nhịn nhưng kiên định đến từng nét hoa vân không chịu mục mòn. Mùa khô, gió lào tiêu táp, mang bụi đất và khí nóng phủ lớp trên mặt gỗ đã làm căn nhà như cũ thêm nhiều năm tuổi. Ấy thế mà khi bước vào bên trong lại hoàn khác. Nhà gỗ sạch sẽ, mát rượi dưới cái nắng cuối hè. Những tường thưng gỗ được bài trí nửa gắn với đời sống thiên nhiên, nửa tâm linh.
Ngôi nhà ở Hang Đăm (Ảnh: BVP).
Nơi trang trọng nhất trong nhà đặt bàn thờ có bát hương cuốn vải đỏ. Bàn thờ còn chiếc chén nước bằng đồng đã cũ. Tấm rèm che phía trên và lớp vải phủ bàn thờ mộc mạc nhưng thể hiện rõ sự thành kính với tổ tiên bằng màu trắng đã chuyển màu. Nhưng điều thú vị nhất là từ tường vách đều như nói lên cuộc đời của gia chủ, là cuốn sách không lời lưu giữ ký ức của những người đã sống giữa núi đồi thảo nguyên. Bắt đầu từ thanh gươm cổ, sau mấy chục năm hòa bình lại thôi săn bắn, tuy có đôi chút han rỉ nhưng hồn vía thì vẫn toát lên tinh thần thượng võ. Những trang trí trên đốc cán, đường lưỡi gươm ngời lên bàn tay tài hoa của bác thợ rèn đồng rừng đã tiếp lửa cho bao chiến binh lâm trận từ thưở giữ làng bản, bao dũng sĩ can trường đánh lui thú dữ bảo vệ mùa màng.
Bên cạnh vật bày trí đó là những rìu, dao cán dài, cung, tên đều được bọc một lớp vải như thể để tránh sự hư hại của thời tiết, lại như mang vẻ một ý thức tâm linh. Có lẽ, trong ý thức tinh thần của con người nơi đây vạn vật đều có linh hồn. Linh hồn của gươm, rìu, dao, dựa, cung, tên… hòa vào linh hồn của các chiến binh xả thân vì công cuộc chinh chiến với con thú rừng, với kẻ thù hiểm ác nên cần phải được lưu giữ.
Một người bạn ở cách đây chừng một quăng dao (vài cây số) kể rằng, xưa kia căn nhà là của một bác thợ săn. Sau mấy đời truyền lại nghề săn cho con cháu, nay tuy chẳng còn theo nghề cũ nhưng vẫn là một gia đình cần mẫn làm ăn, sống hiền hòa, tốt bụng. Chắc hẳn hồn vía của tổ tiên đã phù hộ, nhà cổ nên có một hồn vía linh nghiệm chăng?
Khác lạ nhất so với những nhà gỗ cổ khác là trên tường có một tấm vải hình vuông được cắt thủng nhiều lỗ theo các đường chéo, xen kẽ với đó là những túm lông gà được gắn keo để không bị gió núi thổi rơi. Hỏi ra mới biết đó là một cách "trừ tà", mong điềm may mắn ở lại, điềm dữ tránh xa để gia chủ được yên ổn làm ăn sung túc.
Sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy trong căn nhà mà bốn phía ánh nắng đã lọt qua khe gỗ nhìn vui mắt. Tiếng chim lảnh lót xung quanh, bắt đầu hành trình đi tìm những ngôi nhà gỗ khác trong một tâm trạng vui như thế. Những ngôi nhà nằm giữa thảo nguyên, không tường bao quanh, rào chắn, không thành xóm, thành làng nhưng vẫn là tổ ấm che trở cho những gia đình.
Còn nhớ, dịp cận Tết vừa qua, lên với bản của người Mông, đồng bào ở đây cũng có những ngôi nhà gỗ, nhưng lợp ngói, kè đá xung quanh để chắn nước mưa ngập vào. Trong cái lạnh buốt da thịt của mùa Đông, những ngôi nhà cứ kiên gan thế mặc kệ sương mù đã bao kín, gió rét gầm gào. Chỉ có gỗ mới đủ sức che bớt giá sương, truyền hơi ấm. Cột gỗ được sức thêm khói bếp càng vững vàng, thời gian như nước mồ hôi, khói bụi, sương muối đã nhuộm đầy mặt gỗ đến giờ không còn nhận ra tuổi gỗ, thời gian đành đông đặc. Còn mùa này, lên với thảo nguyên gặp những căn nhà gỗ, bất giác lại thấy gỗ giảm bớt sức nóng để giấc ngủ bé thơ được ngon lành.
Thế mới biết đất nước rộng dài nhưng cũng gần gũi bởi khi ta đi tới đâu, bước chân vào ngôi nhà nào, tuy bài trí có khác biệt nhưng vẫn tương đồng ở sự tôn nghiêm, ấm cúng và ăm ắp những ký ức lịch sử, truyền thống gia đình, dòng tộc lại vọng về trong từng chi tiết cũ.