Dân Việt

“Quỷ đỏ” cạn phép với Van Gaal

Thái Hà 24/08/2015 10:11 GMT+7
Cuối tuần qua, Manchester United (M.U) hòa 0-0 với Newcastle trên sân nhà. Như vậy, sau 3 trận đấu ở Giải ngoại hạng Anh, họ mới ghi vỏn vẹn 2 bàn, điều gì đang xảy ra với đội bóng của HLV Louis Van Gaal?

M.U ngày càng tẻ nhạt

Trong 2 bàn mà M.U  có thì 1 bàn do đá phản lưới trong trận thắng Tottenham 1-0 và có 1 bàn bóng đổi hướng sau khi chạm chân cầu thủ đối phương ở trận thắng Aston Villa 1-0. Tổng cộng cả 3 trận đấu, các chân sút M.U chỉ có 11 cú sút về phía khung thành đối thủ. Trong 3 trận đó, M.U đều kiểm soát trận đấu trước đối thủ. Nhưng cũng vì cầm nhiều bóng mà ghi ít bàn nên không ít lời bình rằng Van Gaal thuộc kiểu HLV thích đội bóng mình cầm bóng chỉ vì mục đích… cầm bóng, hơn là làm những việc thực tế như ghi bàn.

img

M.U đã bị Newcastle cầm hòa cuối tuần qua. Ảnh: I.T

Cách làm bóng đá của HLV 64 tuổi này luôn là phát triển một đội bóng theo hướng “hệ thống là trên hết”, cho đến khi đội bóng có thể áp dụng lối chơi đặc trưng đó một cách bản năng, với một tốc độ hủy diệt. Đó là cách nghĩ có tầm nhìn xa nhưng có một thực tế rằng ở thời đại này, sự kiên nhẫn không còn được ưa chuộng. Bóng đá bây giờ khác với cách đây 20 năm khi Van Gaal xây dựng Ajax. M.U quen chiến thắng ở nước Anh rồi, nhưng đã 2 mùa giải họ đứng cách xa tốp những đội tranh chức vô địch Ngoại hạng Anh. Các cổ động viên và ban lãnh đạo M.U muốn thấy những danh hiệu trở lại.

Thứ bóng đá mà Van Gaal muốn thấy ở M.U mới chỉ lác đác xuất hiện một số lần ở cuối mùa bóng trước khi họ thắng Tottenham, Liverpool, Manchester City. Còn lại, M.U của Van Gaal trình diễn một lối chơi cầm bóng nhiều một cách tẻ nhạt, dễ đoán. Giống như lối chơi của Arsenal, đan bóng nhiều trên sân nhưng đến 1/3 phần sân đối thủ thì bế tắc. Chính vì thế mà trong hơn 1 thập kỷ, Arsenal chưa vô địch Ngoại hạng Anh.

Chơi trên sân nhà Old Trafford, trước một đội bóng trung bình như Newcastle, Van Gaal đâu cần phải bố trí 2 tiền vệ đánh chặn như Bastian Schweinsteiger và Morgan Schneiderlin xuất hiện trên sân cùng lúc. M.U cần sự mạo hiểm hơn, cần tiền vệ nhanh nhẹn và luôn hướng về phía trước như Ander Herrera hơn trên sân. Nhưng với Van Gaal thì lối chơi của Herrera xa rời với yêu cầu “kiểm soát tuyệt đối” của mình.

Kìm hãm sự sáng tạo, thiếu vắng sự bùng nổ

Van Gaal dường như quá chậm trễ thay đổi khi đội bóng của ông quá thụ động trên sân. Có lẽ ông quá tin rằng cứ giữ nguyên mọi thứ (cầu thủ, cách chơi…) như vậy rồi tự nó sẽ tốt lên. Van Gaal muốn mọi thứ phải nằm trong vòng kiểm soát, không muốn mạo hiểm bất kỳ điều gì. Vậy nên, các cầu thủ sáng tạo của ông như Juan Mata, Adnan Januzaj bị “bó chân”, các cầu thủ bùng nổ như Herrera hay Wayne Rooney bị hạn chế hoạt động.

Lấy Rooney làm thí dụ, tiền đạo đang tiến đến gần kỷ lục ghi bàn cho tuyển Anh và cho M.U sau 10 trận giải Ngoại hạng Anh liên tiếp (7 mùa trước và 3 mùa này) chưa ghi được bàn nào vì bị “chết dí” một cách đơn độc trong hàng công của Van Gaal. Lối chơi sở trường của Rooney là chủ động kiếm cơ hội trên chiều rộng mặt sân chứ không phải thụ động đợi bóng từ phía dưới như vậy. Van Gaal thậm chí còn cấm Rooney lảng vảng xuống phía dưới tuyến giữa.

Từ khi đến M.U mùa hè năm ngoái, Van Gaal đã thúc giục ban lãnh đạo M.U mở két hơn 200 triệu bảng Anh để ông xây dựng thứ bóng đá lý tưởng của mình nhưng đến bây giờ mọi thứ vẫn dang dở.

Mùa hè này, đến hơn 100 cầu thủ được “liên hệ” với M.U, mới nhất là Neymar của Barca, nhưng xuất hiện ở sân Old Trafford thì rất ít.


     Đau cho M.U là các cầu thủ mục tiêu hàng đầu của họ đều chọn các CLB kình địch của họ làm bến đỗ, gần đây nhất là Pedro Rodriguez về Chelsea và Nicolas Otamendi về Manchester City. Không phải M.U đề nghị trả lương thấp hơn mà vì họ không tin vào dự án của Van Gaal, họ không tin M.U sẽ có các danh hiệu dưới tay Van Gaal.