Mất giá hơn một nửa
Từ ngày 20.8, theo ghi nhận của phóng viên NTNN tại huyện Duyên Hải (Trà Vinh), giá cua biển đã giảm đến 50% so với 2 tháng trước đó. Cụ thể: Giá cua sô (gãy càng hoặc loại nhỏ) hiện chỉ còn từ 60.000 - 70.000 đồng/kg; cua y (cỡ 2-3con/kg) giá từ 100.000-120.000 đồng/kg; cua gạch son có giá từ 150.000-170.000 đồng/kg; cua cốm (cua hai da – loại cua trong quá trình lột xác lớn lên) có giá từ 230.000-250.000 đồng/kg; cua y tài (cua loại 1) giá là 300.000-350.000 đồng/kg.
Hiện giá cua biển giảm khoảng 50% so với 2 tháng trước đây (ảnh chụp tại vựa cua Hải Mến, xã Long Hữu, huyện Duyên Hải). Ảnh: Huỳnh Xây
Ông Trần Văn Hùng, ngụ xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, Cà Mau cho biết, khoảng 3 tháng trước giá cua gạch từ 280.000–300.000 đồng/kg thì nay giảm xuống chỉ còn 180.000 đồng/kg.
Còn anh Ngô Thanh Hải – chủ vựa Hải Mến, xã Long Hữu một trong những vựa thu mua cua biển có quy mô lớn nhất ở huyện Duyên Hải cho biết, giá cua đang giảm sâu. Tình trạng này đã xảy ra khoảng 2 tháng, làm cho người nuôi và các chủ vựa gặp nhiều khó khăn.
Ngược về xã Long Khánh, gặp ông Lê Văn Hai- một người nuôi cua lâu năm cho biết: “Năm nay, nuôi cua khó khăn lắm mấy chú ơi. Gia đình thả nuôi cua xen với tôm trên 1ha nhưng do tôm bệnh, cua cũng không lớn nổi, phải tốn nhiều thức ăn. Sau 5 tháng thả nuôi, các chủ vựa mua với giá thấp nên không có lời”. Cũng như ông Hai, hiện tại nhiều người nuôi cua biển đang đối mặt với vô vàn khó khăn do giá cua xuống thấp, thương lái Trung Quốc dừng mua. Ông Nguyễn Văn Quân, ngụ huyện Cái Nước (Cà Mau) cho biết: “Với giá cua như hiện nay, nông dân thua lỗ là cái chắc vì chi phí mua thức ăn, con giống quá cao”.
Ông Ngô Minh Trường – cán bộ nông nghiệp và môi trường xã Long Khánh (huyện Duyên Hải) thông tin: Hiện diện tích nuôi cua trên địa bàn xã là 2.700ha, giảm hơn 100ha so với năm trước. Thời gian này, người nuôi cua không những gặp khó về giá mà còn gặp khó ở khâu nuôi bởi thời tiết thay đổi thất thường và chất lượng con giống không được kiểm soát chặt chẽ...
Phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, vài năm trở lại đây, do cua biển bán ra có giá cao nên người dân huyện Duyên Hải đã ồ ạt mở rộng diện tích nuôi (nuôi xen với tôm, theo hình thức quảng canh cải tiến). Hiện diện tích thả nuôi trên toàn huyện đã lên đến 8.400ha, tập trung nhiều nhất ở các xã như: Long Khánh, Đông Hải, Long Vĩnh. Theo đó, hàng trăm các điểm mua bán con giống và tiêu thụ cũng được dựng lên rầm rộ.
" Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc bị phá giá xuống thấp cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho các mặt hàng thủy sản xuất vào thị trường này rớt giá, trong đó có cua biển Cà Mau. Ngành nông nghiệp đang theo dõi sát sao mọi biến động của các mặt hàng thủy sản trên địa bàn để có hướng xử lý và khuyến cáo người dân khi cần thiết”. |
Theo các hộ dân nuôi và các vựa thu mua cua biển, phần lớn cua ở huyện Duyên Hải được xuất sang ở Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, nơi đây tiêu thụ rất ít, khiến cho giá cua sụt giảm. Ông Ngô Thanh Hải thông tin, 2 tháng trước đây, mỗi ngày ông đưa sang Trung Quốc từ 600-1.000kg cua biển nhưng hiện chỉ có thể cung cấp khoảng 50% số lượng trên. “Nguyên nhân phần lớn khiến cho giá cua giảm là do người dân Trung Quốc ăn chay, không có nhu cầu như trước. Ngoài ra, các quốc gia khác cũng đang thu hoạch, xuất cua biển sang Trung Quốc” – ông Hải nói.
Ông Võ Ngọc Hùng – chủ cơ sở thu mua cua biển lớn ở thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Giá cua giảm đang tác động mạnh đến thị trường thu mua và xuất khẩu của các doanh nghiệp ở địa phương. Nếu trước đây hàng ngày tôi xuất sang Trung Quốc 1 tấn cua biển các loại thì nay chỉ còn khoảng vài trăm kg/ngày”. Theo ông Hùng, giá cua biển giảm đang tác động kép đến người nông dân và doanh nghiệp thu mua, mà nhiều nhất là hộ nuôi cua. “Doanh nghiệp có thể chủ động dừng mua khi thị trường xuất khẩu gặp khó, nhưng nông dân thì không thể dừng thu hoặc khi cua tới đợt khai thác” – ông Hùng phân tích.
Tỉnh Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi cua biển lớn nhất nhì trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tập trung nhiều ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Cái Nước… Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp tỉnh này, quân bình mỗi năm lượng cua biển xuất khẩu (kể cả chính ngạch và tiểu ngạch) lên đến đến vài trăm ngàn tấn, gồm nhiều loại. Trong đó thị trường chính là Trung Quốc.
Nếu người nuôi lao đao thì các doanh nghiệp thu mua cua biển xuất sang Trung Quốc cũng đang sống dở chết dở. Ông Trương Quốc Duẫn – Phó phòng NNPTNT huyện Năm Căn cho biết: “Địa phương này có trên 25.000ha nuôi trồng thủy sản (tôm và cua biển kết hợp), hàng năm cung ứng ra thị trường trên dưới 3.000 tấn cua thương phẩm. “Trên địa bàn có 20 doanh nghiệp thu mua cua biển xuất sang Trung Quốc với quy mô lớn, giá cua xuống thấp như hiện nay khiến doanh nghiệp cũng điêu đứng” – ông Duẫn nói.
Theo ông Duẫn, ở các năm trước khi vào khoảng tháng 7 đến tháng 8 âm lịch, giá cua biển cũng xuống thấp (do thời điểm gần Tết Trung thu nên người Trung Quốc ít ăn cua biển), nhưng cũng không thấp đến mức gần như chạm đáy như hiện tại.