Ông Bùi Minh Tăng- Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết: "Hiện khu vực phía đông đảo Luzon (Philippines) đang có 1 áp thấp nhiệt đới hoạt động, đến ngày 24.6, áp thấp nhiệt đới này sẽ mạnh lên thành bão”.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Đến 16 giờ hôm nay 23.6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,4 độ vĩ Bắc; 110,0 độ kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Ông Tăng nhận định, khi thành bão, cơn bão này có cường độ rất mạnh, sẽ hút cơn bão số 2 đang hoạt động trong vùng biển Đông dịch xuống phía Nam.
Sơ đồ đường đi cơn bão số 2 (lúc 17 giờ 30 ngày 22.6). |
Theo đó, khoảng đêm 23 sang ngày 24.6, bão số 2 sẽ ở khu vực vịnh Bắc Bộ, và sẽ tồn tại khá lâu, từ 2-3 ngày, gây mưa lớn cho toàn bộ các tỉnh miền Bắc.
"Do hoạt động của áp thấp nhiệt đới ngoài vùng biển Thái Bình Dương, nên có khả năng, sau khi bão số 2 đổ bộ vào khu vực biên giới Việt- Trung, sẽ bị hút trở ra vịnh Bắc Bộ, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, lúc đó, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình sẽ chịu tác động trực tiếp" - ông Tăng lo ngại.
Do đó, nhiều khả năng từ ngày 25 đến 26.6, thời tiết khu vực vịnh Bắc Bộ sẽ chuyển biến xấu và kéo dài đến hết tuần này. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi có gió mạnh, mưa rào, dông kèm lốc xoáy.
Từ chiều tối nay (23.6), các tỉnh trên đất liền sẽ có mưa, từ nửa đêm mưa to và sẽ kéo dài đến cuối tuần. Ông Tăng nói: "Mưa sẽ diễn ra trên diện rộng toàn bộ các tỉnh miền Bắc, phát triển sâu xuống các tỉnh Bắc Trung Bộ như Hà Tĩnh, Quảng Bình". Lượng mưa ít nhất cũng đạt 100mm, phổ biến từ 200-300mm, cá biệt có một số nơi mưa sẽ lên đến 400mm.
Nhận định về diễn biến của bão số 2, ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Trưởng ban chỉ đạo PCLB T.Ư cho rằng: "So với các dự báo trước đó, bão số 2 đã có những diễn biến bất lợi hơn cho nước ta. Càng ngày, bão số 2 càng di chuyển dịch xuống phía Nam nước ta, bởi vậy, cần đề phòng những tình huống xấu nhất có thể xảy ra".
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là các tỉnh miền Bắc đang bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân như khu vực Bắc Hưng Hải mới chỉ thu hoạch được từ 15-20% diện tích.
Ông Trần Quang Hoài- Cục trưởng Cục Đê điều và PCLB cho biết: "Việc đẩy nhanh thu hoạch lúa là khó, bởi lúa chưa đủ chín. Tuy nhiên, hiện nhiều tỉnh đã tháo nước đệm, máy bơm tiêu úng được sẵn sàng. Song, bên cạnh đó, cũng còn nhiều địa phương tỏ ra lơ là, xem nhẹ bão số 2, mức độ triển khai đối phó chưa tương xứng".
Ngoài ra, ông Hoài cũng cảnh báo một số công trình đê điều, thủy lợi đang dang dở như hồ Suối Mỡ ở Bắc Giang, Điện Biên, đê Nam Đàn ở Nghệ An… có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu mưa lớn liên tục.
Ngọc Lê