Thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, hiện trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 3- 5 trường hợp tới khám có dấu hiệu của bệnh tay chân miệng.
Bệnh nguy hiểm
Điều trị cho bệnh nhi tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). |
Điều đặc biệt là hầu hết bệnh nhân ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đều đã lớn tuổi (trong khi bệnh nhân tay chân miệng ở miền Nam chủ yếu là trẻ nhỏ), bệnh ở thể nhẹ, chưa có biến chứng nặng nề nên thường được cấp thuốc điều trị ngoại trú.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó trưởng Khoa Điều trị tích cực cho biết: "Thực tế, còn rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh thể nhẹ tự điều trị tại nhà. Điều đó rất nguy hiểm bởi khi bệnh lây sang trẻ nhỏ dễ gây các biến chứng nguy hiểm bởi hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện"...
Theo bác sĩ Cấp, bệnh tay chân miệng do một dạng virus đường ruột, lây nhiễm qua đường tiêu hóa, trực tiếp phân - miệng hoặc gián tiếp qua nước, thực phẩm, tay bẩn... bị ô nhiễm phân người bệnh. Hiện bệnh đã có dấu hiệu lây lan nhanh qua đường hô hấp.
"Bệnh lây lan qua nhiều đường. Do vậy, để việc điều trị hiệu quả bệnh viện phải tuân thủ các biện pháp sát khuẩn, thực hành cách ly với những bệnh nhân đang nằm điều trị trong bệnh viện” -bác sĩ Cấp khẳng định.
Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, số lượng trẻ đến khám bệnh tay chân miệng cũng tăng vọt. Ông Cấn Phú Nhuận - Trưởng phòng Khám chữa bệnh, cho biết: Bệnh tay chân miệng do Enterovirus (nhóm virus đường ruột) gây ra, thường gặp nhất là chủng virus Coxsackie A16. Nhưng năm nay, tại Bệnh viện Nhi T.Ư đã xuất hiện bệnh nhân tay chân miệng chủng EV71 (C4). Đây là chủng virus làm 13 trường hợp tử vong tại TP.HCM.
"Do có chủng virus mới nên bệnh tay chân miệng năm nay đặc biệt nguy hiểm vì có các biến chứng gây nguy hiểm cho trẻ như sốt cao 39oC, khiến trẻ dễ bị viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi dẫn tới tử vong"- ông Nhuận nói.
Giải pháp chỉ là phòng bệnh
Cũng theo bác sĩ Cấn Phú Nhuận, hiện bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng chưa có vaccin phòng bệnh nên giải pháp ngăn chặn dịch bệnh vẫn là phòng bệnh.
Cục Y tế dự phòng đã có công văn gửi Vụ Công tác học sinh - sinh viên (Bộ GDĐT) đề nghị chỉ đạo các trường chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ, như rửa chân tay sạch sẽ, nếu có trẻ bị bệnh cần cách ly và cho nghỉ học ít nhất 10 ngày.
Nếu lớp có 2 trẻ bị bệnh trở lên thì cả lớp cũng được nghỉ học 10 ngày. Sau đó, làm sạch dụng cụ học tập, đồ chơi bằng Cloramin B 2%, tráng nước sôi bát đũa...
Ngay cả với các bệnh viện, Bộ Y tế cũng có hướng dẫn điều trị tay chân miệng: Bệnh nhân phải được cách ly, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác. Phân và các chất thải của bệnh nhân phải được khử khuẩn bằng Chloramin B; quần áo, chăn màn, dụng cụ của bệnh nhân phải được khử khuẩn bằng đun sôi, ngâm dung dịch Chloramin B 2%.
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Hiện Hà Nội đã ghi nhận hàng trăm trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 9 trường hợp là trẻ em. Bệnh lây qua đường tiêu hoá, hô hấp nên cách phòng bệnh tốt nhất là rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; che miệng, mũi khi ho hay hắt hơi...
Minh Nguyệt