Phải giám định mới rõ có tâm thần hay không
Chiều 23.8 tại thôn Phú Vinh, xã Ia Băng, đối tượng Vũ Văn Đản, được cho là sau khi uống rượu say, đã dùng dao chém chết một lúc 4 người gồm ông Đặng Đình Vấn (SN 1958), chị Nguyễn Thị Ngọc Liên (SN 1974, quê Bình Định), chị Lê Thị Thơm (SN 1982) cùng con gái Vũ Thị Vân (SN 2007). Ngoài ra, có 3 người bị Đản chém trọng thương gồm Vũ Văn Doanh (SN 1983), bà Nguyễn Thị Minh (SN 1963, đều là hàng xóm) và Vũ Văn Tuyên (SN1984) là em ruột của Đản.
Anh Vũ Văn Doanh - nạn nhân bị Vũ Văn Đản chém gây thương tích, đang được chữa trị tại bệnh viện. Ảnh: Quốc Dinh
Đối tượng Vũ Văn Đản (SN 1976, quê Hải Dương, trú xã Ia Băng, Chư Prông, Gia Lai) ngay sau đó đã bị công an bắt giữ tại rẫy cà phê cách hiện trường gây án khoảng 3km, với 2 cây dao là hung khí gây án.
Theo lời kể của người hàng xóm sát vách nhà Đản, vợ chồng Đản lấy nhau ở Bình Phước, sau đó chuyển về thôn Phú Vinh mua đất rẫy làm ăn sinh sống. Thường ngày hai vợ chồng vẫn đi làm thuê do vườn hẹp không đủ làm ăn. Tính tình của Đản hàng ngày cũng bình thường, không gây sự với ai, chỉ có khi uống rượu vào là hay đánh vợ con. Ông Trường Công Tài - Trưởng thôn Phú Vinh cho biết, thường ngày Đản hay uống rượu rồi đánh vợ con...
Về vấn đề Đản có bị bệnh tâm thần hay không, theo thông tin từ người thân, Đản đang được gia đình mua thuốc an thần điều trị. Trước khi gây ra vụ giết người, Đản đã vừa đốt hương vừa chạy quanh nhà, mồm khấn khứa không ngớt…
Tuy nhiên, trung tá Trần Ngọc Anh - Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Gia Lai khẳng định: Đến thời điểm này chưa có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh Đản bị tâm thần. “Chúng tôi sẽ đưa Đản đi giám định để xác định Đản có tâm thần hay không”.
Những mối nguy khó lường
Trước tình trạng ngày càng có nhiều vụ án thảm khốc do người bị tâm thần (NTT) hoặc nghi có dấu hiệu tâm thần gây ra, trao đổi với phóng viên, bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, Trưởng ban Dự án Bảo vệ Sức khoẻ tâm thần cộng đồng thuộc chương trình mục tiêu y tế quốc gia nhận định, đang có những lỗ hổng trong quản lý NTT.
Theo bác sĩ Cương, có 86% số xã phường trên địa bàn cả nước đang thực hiện Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng với 2 loại NTT được quản lý là người bị tâm thần phân liệt và động kinh. Cụ thể có 89% số NTT phân liệt được quản lý tại xã, phường (hơn 200.000 người). Nếu bệnh tái phát thì cán bộ y tế sẽ báo lên huyện rồi lên tỉnh để cán bộ y tế có chuyên môn tâm thần về kiểm tra, tư vấn cho người nhà có nên đưa họ đi chữa trị tập trung tại các cơ sở y tế.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Cương, số NTT phân liệt chưa phải là “mối nguy” lớn cho cộng đồng vì ít ra họ vẫn được quản lý, quan tâm. Hơn 200.000 người đang được quản lý chỉ chiếm 2-3% số NTT đang có ở cộng đồng. Vẫn còn hàng trăm nghìn NTT chưa được chăm sóc thỏa đáng. Ngoài ra còn nhiều bệnh tâm thần tiềm ẩn nguy hại lớn, khó lường từ người bệnh trầm cảm, ngáo đá, nghiện rượu…
“Bệnh nhân trầm cảm nặng thường có xu hướng tự tử, nhưng trước đó họ lại dễ gây ra những hành vi giết người hàng loạt rồi mới tự tử. Còn người ngáo đá có những cơn hoang tưởng, ảo giác đối với những “kẻ thù”, “quái vật” nên dễ tấn công những người xung quanh, gây ra các vụ thảm sát. Còn người nghiện rượu đến một mức độ nào đó cũng sẽ có hoang tưởng, hung hăng, gây thương tích cho người khác không gớm tay… Tuy nhiên những đối tượng này hầu như chưa được cộng đồng chú ý để có các biện pháp ngăn chặn” - bác sĩ Cương phân tích.
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cũng cho biết, định kiến xa lánh, kỳ thị NTT khiến người nhà tìm cách giấu bệnh, tự đi điều trị bằng các biện pháp quái dị như cúng đuổi ma, uống thuốc thầy lang... khiến bệnh nặng hơn.
Theo bác sĩ Thắng, NTT không đột nhiên gây án mà trước đó đã có nhiều biểu hiện sa sút về sức khỏe nhưng lại không được nhận biết, cảnh báo, ví như đau đầu, mệt mỏi, buồn chán, mất ngủ đến nói một mình, kêu chán đời, xa lánh mọi người. Ánh mắt của họ cũng hoang dại, bất thường.
“Cho dù người nhà không có tiền sử tâm thần cũng phải để ý, theo dõi hoặc đưa họ đi khám. Đặc biệt đối với những người đã có tiền sử tâm thần thì các triệu chứng này càng nguy hiểm hơn. Người dân nên báo với cán bộ y tế để họ đưa ra lời khuyên tốt nhất hoặc đưa họ đi điều trị. Ngoài ra, người đã có tiền sử tâm thần cần tránh xa các chất kích thích, rượu, thuốc gây nghiện. Khi họ gặp các chuyện buồn phiền cũng cần được chăm sóc sức khỏe tâm thần vì họ rất dễ suy sụp” - bác sĩ Thắng cảnh báo.
Chỉ 16.000 người tâm thần được chăm sóc, điều trị tập trung Theo báo cáo của Bộ Y tế: 14,9% dân số Việt Nam gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần (khoảng 13 triệu người). Trong đó, 0,81% dân số (724.000 người) mắc các bệnh tâm thần mãn tính cần phải chăm sóc và điều trị lâu dài: Người tâm thần phân liệt chiếm 0,48% (430.000 người); người bị động kinh chiếm 0,33% (290.000 người). Tuy nhiên hiện nay, tại các trung tâm bảo trợ xã hội và các bệnh viện tâm thần mới chỉ có khoảng 16.000 người tâm thần mãn tính được chăm sóc và điều trị tập trung. Còn lại người tâm thần mãn tính đang sống ngoài cộng đồng. |
3 vụ người có dấu hiệu tâm thần phạm tội Ngày 24.4.2015, tại Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội, Nguyễn Thị Giang Nam (27 tuổi, quê Bắc Giang), đã dùng dao chém tử vong đứa con mới hơn 4 tháng tuổi. Trước khi xây dựng gia đình, Nam ít nói, có dấu hiệu trầm cảm. Sáng 8.8, đối tượng Nguyễn Thị Vân (51 tuổi, trú xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) đã dùng dao nhọn đâm vào bé trai 11 ngày tuổi, khi bé này đang nằm điều trị tại phòng bệnh số 10 - khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long. Đối tượng Vân cũng có biểu hiện tinh thần bất bình thường trước và sau khi gây án. Đêm 22.8, tại xã Tân Mỹ, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, đối tượng Nguyễn Văn Hùng (SN 1964, trú thôn Mỹ Cầu, xã Tân Mỹ) đã sát hại 2 người là Nguyễn Văn Th (SN 1955, anh trai ruột Hùng) và bà Vũ Thị L (SN 1968, xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang, Bắc Giang). Đối tượng Hùng cũng là người có biểu hiện bất thường về tâm lý.
|
Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh ánTAND Tối cao: Tạo môi trường sống lành mạnh Con người ta sinh ra không phải ai cũng mắc bệnh tâm thần ngay, có những trường hợp đang bình thường nhưng do rơi vào hoàn cảnh bí bách, bức xúc, bế tắc... dẫn đến bị trầm cảm dạng này, dạng khác. Làm thế nào để có một môi trường xã hội, môi trường gia đình, môi trường sống để con người không rơi vào hoàn cảnh phát sinh bệnh tâm thần mới là quan trọng. Nghĩa là phải có sự quan tâm từ gia đình, những người sống xung quanh, nói rộng hơn là chính quyền và các tổ chức, đoàn thể. Luật sư Giang Hồng Thanh - Đoàn luật sư TP.Hà Nội: Cần hỗ trợ đưa đi chữa bệnh Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với những người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Pháp luật hiện hành không có quy định “bắt buộc” về việc cách ly người bị bệnh tâm thần với cộng đồng khi người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Để người có bệnh tâm thần sống trong cộng động là tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ án giết người, cố ý gây thương tích do người tâm thần thực hiện, nạn nhân chủ yếu là người thân, hàng xóm của đối tượng gây án. Lương Kết (ghi) |