Hết lòng với chèo
Đến làng Khuốc vào một ngày tháng 8, một người dân chỉ đường cho chúng tôi đến nhà của Nghệ nhân Bùi Văn Ro - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chèo làng Khuốc và không quên ngân nga những giai điệu như thiết tha mời gọi: “Hỡi cô thắt dải lưng xanh/Có xem chèo Khuốc với anh thì về...”.
Dù đang bị ốm, nghệ nhân Hà Quang Ngạn (ngồi giữa) vẫn tranh thủ dạy chèo cổ cho “diễn viên nhí”. Ảnh: Mỵ Lương
Nghệ nhân - nông dân Bùi Văn Ro (64 tuổi) đã giữ chức chủ nhiệm Câu lạc bộ Chèo Khuốc hơn 20 năm qua. Trò chuyện với ông, biết chuyện ông vì mải nghề, mải nhạc đến nỗi không biết vị trí mỗi thửa ruộng của gia đình ở đâu, mới hiểu được sự say chèo nơi nghệ nhân này. “Ngấm máu” chèo từ nhỏ, lại được người bác ruột là nghệ nhân Bùi Văn Ca dạy hát múa chèo, năm 18 tuổi chàng thanh niên Bùi Văn Ro vào vai ông lão say rượu trong trích đoạn chèo cổ “Lão say” giành Huy chương Vàng trong Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Thái Bình. “Mỗi lần có hội diễn là tôi lại được dịp đạp xe chừng 18 cây số ngược xuôi làng trên xóm dưới để báo diễn viên, nhạc công chuẩn bị tinh thần tập luyện. Vì chèo, chúng tôi có thể bỏ ăn, bỏ công tập luyện, chẳng màng công cán, miễn được thấy những tràng pháo tay, nhìn thấy tiết mục thành đạt là niềm vui lớn nhất rồi” - ông Ro tâm sự.
Cũng giống như ông Ro, Nghệ nhân Hà Quang Ngạn (75 tuổi) biết biểu diễn chèo từ khi còn là cậu bé 11 tuổi. Hiện ông là một trong những nghệ nhân hiếm hoi của làng Khuốc thể hiện được những miếng chèo cổ là điệu “Múa trái” và “Tắm tiên”. Nói về niềm tự hào của người dân làng Khuốc, ông Ngạn cho hay: “Hồn cốt của làng là còn giữ được những điệu chèo độc quyền mà không phải làng nào cũng có được như: Hề đơm đó, Con trai xinh, Duyên phận chẳng thuận chiều, Vãn non mai, Tuyết dạt sông Thương, Ván cờ tiên... Chỉ mong trước khi xuôi tay, tôi truyền lại cho lớp sau gìn giữ để chèo độc đáo làng Khuốc không bao giờ mất”.
Không ít người dân làng Khuốc vì tình yêu với chèo mà chấp nhận “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” để truyền giữ vốn chèo cổ của địa phương. Hơn 30 năm làm công tác xã hội, Ông Quách Xuân Sáu- Trưởng ban Văn hóa xã Phong Châu (Đông Hưng, Thái Bình) từng ngày gắn mình với những hoạt động văn nghệ chỉ với niềm mong mỏi phát triển chèo làng Khuốc. Người cán bộ “tay năm tay mười” hăng say sáng tác những kịch bản chèo mới dựa theo những làn điệu chèo cổ - mà người làng Khuốc gọi là “bình cũ rượu mới” để phản ánh hơi thở đời sống hiện nay.
Nỗi lo chèo “đứt gánh”
Khi nhắc đến tương lai, nhiều người tâm huyết với chèo Khuốc không khỏi trăn trở, lo lắng vì việc gìn giữ những làn điệu chèo còn gặp rất nhiều cái khó. “Nói là câu lạc bộ chứ thực tế chỉ còn có 8 thành viên tham gia sinh hoạt. Mỗi lần có chương trình biểu diễn, chúng tôi kêu gọi cũng chỉ được khoảng hơn 20 diễn viên, nhạc công lấy từ các câu lạc bộ chèo riêng của 4 thôn Cổ Xá, Khuốc Đông, Khuốc Tây, Khuốc Bắc của làng” - ông Ro cho hay.
Các nghệ nhân trong Câu lạc bộ Chèo Khuốc dù tuổi cao vẫn hăng hái tham gia truyền dạy miễn phí cho thế hệ trẻ có lòng yêu chèo. Ông Quách Xuân Sáu bày tỏ: “Gắn bó với đội chèo nhưng bản thân tôi cũng cảm thấy lực bất tòng tâm. Các địa phương khác mời Câu lạc bộ Chèo Khuốc đi biểu diễn thì các cụ còn được bồi dưỡng. Còn ở quê hương điều kiện khó khăn quá... Mỗi năm văn hóa của xã chỉ có 7.000.000 đồng để chi tiêu dè xẻn. Nghệ nhân cống hiến không cần công cán nhưng mỗi lần nhờ các cụ viết hộ kịch bản hay tổ chức chương trình chèo, bản thân tôi cũng ngại. Chỉ cần ghi nhận công sức của các cụ từ trước đến nay cũng là an ủi động viên các cụ, tôi cũng cảm thấy dễ dàng hơn trong công tác xã hội...”.
Việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân đang rầm rộ khiến không ít những thành viên hăng hái gắn bó với chèo làng Khuốc không khỏi chạnh lòng. Ông Bùi Văn Ro không giấu nổi tâm trạng buồn bã, lo lắng: Để điều động những người tâm huyết nhưng không được xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú tiếp tục tham gia sinh hoạt là điều rất khó, vì họ đã giảm đi phần nào sự hào hứng với tình yêu văn nghệ.
“Bản thân tôi cũng thấy buồn, thấy nản và không còn ham muốn đến sân khấu hết mình vì nghệ thuật nữa. Danh hiệu, chế độ không được nhận cũng không quan trọng. Tuy nhiên, các cụ có câu: “Con gà tức nhau tiếng gáy”, tôi mang tiếng là chủ nhiệm câu lạc bộ chèo phục vụ suốt 50 năm trong nghề như vậy mà không được ghi nhận đóng góp. Thú thật với cô, tôi chỉ muốn buông xuôi” - ông Ro cho hay.
Ông Lại Thành Kiên - Trưởng phòng Văn hóa huyện Đông Hưng (Thái Bình) cho biết: “Những người trẻ biết biểu diễn chèo hầu hết đều tham gia các đoàn chèo chuyên nghiệp. Hầu hết các cụ nghệ nhân giỏi còn lại rất ít. Trong khi đó, các cụ tuổi đều đã cao, sức yếu. Chúng tôi cũng rất trăn trở trong việc gìn giữ những làn điệu chèo độc đáo cho thế hệ mai sau nhưng chưa tìm ra cách nào”. |