Trí nhớ tuyệt vời
Đến giờ, nói đến TDDC Việt Nam là nói đến Phan Thị Hà Thanh, cũng như cách đây chục năm, nhiều người chỉ biết tới “búp bê” Ngân Thương vậy. Ở tuổi 24, thậm chí cô gái Hải Phòng còn làm được nhiều hơn đồng đội cùng lứa mà dấu ấn đáng kể nhất là tấm HCĐ nhảy chống, HCB cầu thăng bằng ASIAD 2014.
Niềm đam mê piano giúp Phan Thị Hà Thanh thăng hoa trên thảm đấu. Ảnh: Hoàng My
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT từng ca ngợi những tấm huy chương Á vận hội của Hà Thanh: “Thời tôi còn làm, tôi mơ ước có ngày TDDC có thể giành huy chương châu lục và thế giới. Vậy mà phải mất gần chục năm sau, ước mơ đó của tôi mới trở thành hiện thực. Điều đó đủ để nói lên tài năng, ý chí tuyệt vời của Hà Thanh”.
Chiêm ngưỡng bộ sưu tập thành tích của Hà Thanh với đầy đủ những tấm HCV khu vực, châu lục, thế giới, nhiều người sẽ còn thán phục hơn nếu biết rằng trong những bước khởi đầu sự nghiệp, cô rất hiếm khi được đưa đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Vậy bí quyết của Thanh là gì để có thể vươn lên mạnh mẽ đến vậy? Theo các đồng đội của Thanh ở đội tuyển TDDC Việt Nam thì cô là người có trí nhớ, óc quan sát tuyệt vời: “Chị Hà Thanh nhớ dai lắm. Chỉ nhìn ai đó biểu diễn một vài lần là đã làm theo được. Học bài thì cũng chỉ cần đọc qua là thuộc. Nghe nhạc một lần là nhớ lời. Chị rất thích nghe nhạc. Nhiều khi bọn em nghĩ, nếu chị Thanh không tập TDDC, chị vẫn sẽ thành công ở rất nhiều lĩnh vực khác” - VĐV Đỗ Thị Vân Anh – người được kỳ vọng sẽ kế thừa Hà Thanh trong tương lai, kể.
Đam mê piano
Trong tập luyện, chuyên gia Trung Quốc dạy gì, Hà Thanh đều ghi chép cẩn thận, ghi nhớ và nghiên cứu kỹ càng. Cô cũng tự tìm ra nội dung sở trường của mình là nhảy chống để chuyên tâm mài giũa từng động tác nhỏ nhất. Hà Thanh tâm sự: “Em thích nhất là biểu diễn cầu thăng bằng, tự do trên thảm và ghét nhất là nội dung xà lệch. Thế nhưng nhảy chống mới là nội dung tốt nhất để em thể hiện mình”.
Với nhảy chống, chỉ trong vỏn vẹn có 5 giây từ lúc xuất phát để khi “hạ cánh” nhẹ nhàng như một con bướm, Hà Thanh đã tập đi tập lại hàng chục ngàn lần từng khoảnh khắc để làm nên những chiến thắng.
Bận bịu tập huấn, thi đấu liên miên nên dù học rất giỏi, lúc này Thanh vẫn chưa có thời gian để tốt nghiệp Trường Đại học TDTT Từ Sơn. Cô thích khối A, yêu môn Toán, Lý. Thầy giáo của cô là ông Nguyễn Ngọc Ban - một nhiếp ảnh gia nghiệp dư, rất yêu thể thao. Ông đã về hưu lâu năm và dành thời gian để dạy học cho cả đội tuyển TDDC mỗi khi họ rảnh rỗi. Ngoài dạy văn hóa, ông Ban còn dạy cả đội TDDC chơi piano, nhưng chỉ có Hà Thanh là mê mải chiếc piano mỗi khi rời thảm đấu. Cô chơi rất hay và thuộc bản nhạc rất mau.
Ông Ban bày tỏ: “Hà Thanh thông minh lắm, lại có cảm nhạc rất tốt, tính tình lại chăm chỉ, tỉ mỉ. Nếu Thanh không phải là VĐV thì có lẽ sẽ trở thành một nghệ sĩ không chừng”. Với bản thân Hà Thanh, chính chiếc đàn piano từ lâu đã trở thành một người bạn thân thiết, biết chia sẻ mọi vui, buồn và giúp cô có đủ nghị lực để vượt qua những cơn đau do chấn thương hành hạ, qua đó thăng hoa trên thảm đấu!
Sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghiệp thể thao, Phan Thị Hà Thanh được HLV Vũ Hùng Thắng phát hiện tài năng khi chỉ mới 6 tuổi. Năm 2002, Hà Thanh ghi dấu ấn đầu tiên với 2 HCV tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc và được gọi tập trung đội tuyển. Kết thúc SEA Games 2015, Hà Thanh cùng với Ánh Viên là 2 VĐV vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. |