Một chiều giữa tháng 6.2011- đúng lúc mùa màng bận rộn nhưng có mặt tại Trung tâm khâu bóng xuất khẩu ở xã Hùng Thắng, chúng tôi vẫn thấy mọi người làm việc rất hăng say, những cánh tay thoăn thoắt hoàn thành sản phẩm.
Nghề theo về làng
Lao động làm việc tập trung tại Trung tâm khâu bóng xã Hùng Thắng. |
Vừa khâu bóng, anh Đào Văn Nhẫn, 34 tuổi, trú tại thôn 2, đội 16 vui vẻ cho biết: Trung tâm thành lập năm 2008 và nhanh chóng thu hút rất nhiều nông dân tham gia. Như anh Nhẫn trước đó cũng chỉ gắn bó với mấy sào ruộng, công việc vất vả, thu nhập thấp, sau vụ mùa thời gian rỗi rãi lại nhiều. “Thấy có thêm phần thu nhập lúc nông nhàn nên tôi tham gia lớp học nghề và làm từ đó đến nay”- anh Nhẫn kể.
Hiện tay nghề của anh Nhẫn đã khá vững. Ngoài công việc khâu hoàn thiện sản phẩm, anh Nhẫn được giao cả việc kiểm tra hàng của bà con gửi về trung tâm để phát hiện lỗi và khắc phục. Anh cho biết thêm, công việc ở trung tâm khâu bóng rất thoải mái, tiền lương hưởng theo sản phẩm. Khi bận công việc đồng áng hoặc việc gia đình, bà con có thể xin nghỉ hoặc nhận việc về nhà làm. Xong công việc có thể quay lại trung tâm làm việc bình thường. Đây là điểm rất thuận lợi đối với lao động là nông dân bởi không phải chịu sự quản lý giờ giấc chặt chẽ, nghiêm ngặt
Chị Lanh ở thôn Lật Dương, xã Quang Phục, chia sẻ: Ngoài công việc ruộng nương, chị phải lo cả việc bếp núc cho gia đình nên không vào xưởng tập trung, mà nhận bóng về nhà khâu. “Cuộc sống gia đình thời bão giá này thực sự khó khăn. Gia đình tôi hiện có 4 miệng ăn, nếu chỉ dựa vào vài sào ruộng thì rất khó khăn. Tham gia lớp học về khâu bóng xuất khẩu, tôi đã làm được việc và có thu nhập tốt”- chị Lanh phấn khởi.
Anh Nguyễn Văn Kiêm - phụ trách dạy nghề khâu bóng tại Trung tâm Hùng Thắng, trao đổi: Nghề này đòi hỏi người làm phải khéo tay, có tính cẩn thận. Sản phẩm lỗi, người trực tiếp hoàn thiện nó sẽ không được hưởng tiền công. Anh kể: “Có những lần kiểm hàng, nhận hàng trăm quả không có quả nào bị lỗi nhưng cũng có đợt nhận 100 quả, có tới 20-30 quả bị lỗi, phải khắc phục. Nhờ cách “rèn nghề” này nên giờ tay nghề của lao động khá vững”.
Tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình
Mô hình dạy nông dân nghề khâu bóng hiện đang được Hội Phụ nữ huyện Tiên Lãng phối hợp với Công ty Da giày Hải Phòng triển khai thí điểm.
Anh Khiêm cho biết, đối với những người tay nghề vững, khâu nhanh và làm đều tại khu tập trung hoàn thiện sản phẩm đến bước cuối cùng, thu nhập được từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Còn một số chị em tranh thủ mang về nhà khâu phần vỏ bóng, thu nhập khoảng hơn 1 triệu đồng/người/tháng. Nhiều chị em trong trung tâm chịu khó, nhiều hôm làm ở xưởng xong, tối họ vẫn mang hàng về nhà làm thêm vì công việc không gò bó và căng thẳng, chỉ cần cẩn thận một chút là có thể thêm thu nhập.
Bà Phạm Thị Bính - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiên Lãng cho hay, khi Công ty Da giày Hải Phòng triển khai mở các lớp dạy nghề khâu bóng, thời gian đầu cũng khó khăn vì bà con có ý so sánh mức thu nhập với các công ty khác. Nhưng khi được phân tích về các lợi thế của công việc, bà con rất ủng hộ. Đến nay, công ty duy trì ở mức 300 lao động thường xuyên ở phạm vi 7 xã. Sản phẩm làm ra được xuất sang Nhật Bản với số lượng lớn và thường xuyên nên nhu cầu về lượng lao động cũng rất cần.
Trần Phượng