Dân Việt

Đề xuất sốc: Bỏ tội danh “đánh bạc”

Ngọc Lương 26/08/2015 06:53 GMT+7
Chiều 25.8, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, góp ý vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đại biểu đoàn Thái Bình Phạm Xuân Thường gây chú ý khi đề nghị nghiên cứu bỏ tội danh “đánh bạc”.

img

Ảnh minh họa.

Theo đại biểu (ĐB) Thường, quy định về tội danh này có trong luật từ rất lâu, nhưng thực tế việc xử lý lại rất yếu.

ĐB Thường dẫn chứng, giờ đi bất kỳ đâu, từ cơ quan nhà nước đến đền, chùa miếu mạo, đều có đánh bạc, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán. Mặc dù các cơ quan pháp luật cũng xử lý nhưng tính giáo dục không hiệu quả. Có vụ bắt 30 can phạm trong đó 10 can phạm không truy tố, 10 người tiếp theo án treo... Đầu tư công sức để bắt nhưng dần dần đối tượng vi phạm đều hưởng án treo hết.

“Có vụ bắt đánh bạc, xảy ra việc người chơi nhảy xuống sông chết đuối. Sao không tổ chức cho người dân chơi thế nào cho hợp lý, vì thực ra xổ số, lô tô cũng là đánh bạc” - ĐB Thường đặt vấn đề.

Về hình thức tội phạm, ĐB Thường nêu thêm, hiện nay có loại vay mượn biến tướng nhiều, thực chất là lừa đảo nhưng không xử lý hình được. Ví dụ, doanh nghiệp vay vàng của nhân dân, họ mua đất rồi có tin vỡ nợ nên người dân ào ào đến đòi tiền. Mảnh đất có 1 tỷ đồng nhưng giờ muốn lấy để trừ nợ lại thì phải mua miếng đất đó với giá cao hơn.

“Bên vay dọa chuyển cho người khác là người cho vay sợ mất không, họ thà lấy ít còn hơn bị mất. Đây thực chất là hành vi lừa đảo” - ĐB Thường nói.

Cũng nói về hành vi vay nợ, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị phải có thêm tội bội tín. “Giờ thủ đoạn ghê gớm lắm, nhân dân điên đầu về chuyện cho vay không trả vì người vay cứ nói tôi vay cho vào kinh doanh mất hết. Còn kiện dân sự không biết bao giờ đòi được” - ĐB Thuyền góp ý.

Về đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh, theo ĐB Thuyền, tội phạm ngày càng manh động, Bộ luật Hình sự phải góp phần mạnh mẽ trấn áp tội phạm: “Nếu nhân đạo quá, bỏ hình phạt tử hình với 7/22 tội danh, tôi cho rằng cần cân nhắc nếu không sẽ giảm sức răn đe, tình hình tội phạm có thể gia tăng”.

ĐB này cũng góp ý thêm: Hành vi lãng phí rất nguy hiểm, nó còn gây thiệt hại hơn cả tham ô vì người tham ô còn xây được cái này cái kia. Vậy có hình sự hoá được không? Quy định lãng phí bao nhiêu thì phải chịu xử lý hình sự, nếu không thì lãng phí rất nhiều.