Theo quan sát của phóng viên, nhà Phủ thờ- nơi xảy ra đám cháy đã được niêm phong và có tấm vải vàng phủ lên hương án. Chân hương án và cột cái ở giữa tại nhà Phủ thờ bị cháy sém đen. Mái ngói chính thẳng từ hương án chính giữa nhìn lên ám màu đen của khói.
Gian Phủ thờ chùa Bút Tháp đã được niêm phong sau đám cháy. Ảnh: Thanh Hà
Ông Nguyễn Văn Đáp- Trưởng phòng Di sản văn hóa Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngày 21.8 Sở đã nhận được thông tin từ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thuận Thành về việc xảy ra cháy tại Phủ thờ di tích chùa Bút Tháp. Vụ cháy tại nhà Phủ thờ xảy ra lúc gần 2 giờ ngày 21.8, khi sư bác Thích Minh Tâm thấy có mùi khét, cùng với đó là mất điện toàn bộ khu vực chùa. Nhà sư đi kiểm tra thì phát hiện thấy có đám cháy bốc lên từ hương án gian giữa của Phủ thờ và khám thờ bên trong đặt tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc. Sau khoảng 15 phút, đám cháy được khống chế. Nguyên nhân vụ cháy vẫn chưa xác định được.
Theo báo cáo của Sở VHTTDL gửi Bộ VHTTDL ngày 21.8, qua kiểm tra, xem xét thực tế tại hiện trường sau đám cháy, Sở VHTTDL nhận thấy, một hương án gỗ đặt tại gian giữa nhà Phủ thờ có mã hiệu CBT.PT.04 trong bản thống kê tài liệu, hiện vật Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bút Tháp (lưu tại hồ sơ khoa học di tích) đã bị cháy hoàn toàn. Hương án gỗ trước khi bị cháy kiểu chân quỳ dạ cá, chạm khắc tinh xảo, t mỉ với đề tài “tứ linh, tứ quý”. Đây là cổ vật đẹp, tiêu biểu và điển hình của nghệ thuật chạm khắc thế kỷ XVII.
Trên hương án được bài trí một hương và đôi lọ hoa nhỏ bằng gốm men, các hiện vật đều đã bị vỡ, các mảnh vỡ lẫn trong than tro của Hương án. Một đôi chân đèn gỗ (thắp bằng điện) đặt ở hai bên của hương án gỗ (hiện vật mới) cũng bị cháy hoàn toàn. Khám và tượng thờ Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (cổ vật) đặt phía sau hương án cũng bị cháy một phần phía trước thân khám và toàn bộ nóc của khám thờ, riêng tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc bị cháy sém một phần bệ tượng.