Dân Việt

Taxi "đại náo" đường phố HN có biểu hiện... "bất thường"

Xuân Lực 26/08/2015 19:06 GMT+7
Theo lãnh đạo Đội CSGT số 1, việc cán bộ CSGT bám đuổi theo xe taxi là do tài xế Dũng có hành vi tông xe vào cán bộ cảnh sát rồi bỏ chạy. Dù người dân và CSGT bám theo, anh Dũng vẫn bất chấp nguy hiểm, lạng lách, đánh võng… để bỏ chạy.

img

 Chiếc taxi do tài xế Nguyễn Văn Dũng điều khiển gây náo loạn trên nhiều tuyến phố chỉ dừng lại khi bị cháy hết côn.

CSGT bị taxi đâm gãy tay, “mất trí”

Như đã thông tin, trưa ngày 25.8, chiếc taxi hãng M.L do tài xế Nguyễn Văn Dũng (SN 1984, trú tại Sóc Sơn - Hà Nội) điều khiển gây náo loạn trên nhiều tuyến phố trung tâm của Hà Nội.

Dù lực lượng CSGT và nhiều người dân đuổi theo yêu cầu dừng xe nhưng lái xe vẫn lạng lách, đánh võng… bỏ chạy qua nhiều tuyến phố gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Liên quan đến sự việc trên, ngày 26.8, đại điện Đội CSGT số 1 cho biết: Trưa ngày 25.8, thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, chống ùn tắc trên đường Hai Bà Trưng, tổ công tác Đội CSGT số 1 do thượng úy Phạm Quốc Long làm tổ trưởng phát hiện chiếc xe taxi do anh Dũng có vi phạm đi sai làn đường nên yêu cầu dừng xe kiểm tra.

Tuy nhiên, anh Dũng không chấp hành, tăng ga đâm xe vào thượng úy Phạm Quốc Long khiến vị CSGT bị hất lên nóc ca-pô. Chiếc taxi bỏ chạy khiến thượng úy Long văng xuống đường bị thương.

“Sau khi bị chiếc taxi đâm, thượng úy Long được đưa tới bệnh viện cấp cứu, đồng thời thông báo qua điện đàm để các chốt giao thông liền kề tổ chức lực lượng chặn chiếc taxi.

Khi bị chúng tôi tổ chức lực lượng chặn tại ở nút giao thông Trần Hưng Đạo – Bà Triệu, tài xế Dũng vẫn không chấp hành dừng xe. Anh Dũng lái xe leo vỉa hè đường Trần Hưng Đạo lách xe bỏ chạy. Sau đó, tài xế Dũng lái xe lạng lách, đánh võng bỏ chạy qua nhiều tuyến phố. Chiếc xe taxi chỉ dừng lại ở nút giao thông Nguyễn Khoái – Lãng Yên vì bị cháy hết côn”, đại diện Đội CSGT số 1 cho biết.

Về tình trạng sức khỏe của thượng úy Long, đại diện Đội CSGT số 1 cho biết, sau khi bị chiếc xe taxi đâm, thượng úy Phạm Quốc Long đã được đưa vào bệnh viện Việt Đức cấp cứu trước khi chuyển về  Bệnh viện Công an TP. Hà Nội tiếp tục điều trị sáng 26.8.

Chia sẻ với PV khi đang điều trị tại Bệnh viện Công an TP. Hà Nội, thượng úy Long cho biết, anh chỉ nhớ được trưa ngày 25.8 anh cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ tuần tra, còn sự việc bị taxi đâm sau đó vào viện anh không nhớ.

img

Thượng úy Long nằm điều trị tại Bệnh viện Công an TP. Hà Nội.

Theo ông Lê Xuân Minh (bác sĩ Bệnh viện Công an TP. Hà Nội) cho biết: Thượng úy Long bị gãy tay phải và đã được bó bột tại Bệnh viện Việt Đức. Hiện anh Long vẫn có biểu hiện mệt mỏi, mơ màng nên các bác sĩ vẫn phải tiếp tục theo dõi.

Truy đuổi vì có nhiều biểu hiện “bất thường”

Sau khi xảy ra sự việc CSGT truy đuổi taxi náo loạn đường phố Hà Nội, nhiều người cho rằng, lực lượng CSGT không nên truy đuổi chiếc xe taxi bỏ chạy vì hành động này có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác.

Về vấn đề này, đại điện Đội CSGT số 1 cho biết: Thông thường, nếu lái xe taxi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, lực lượng CSGT sẽ ghi lại biển số, đặc điểm chiếc xe để xử lý “nguội”. Tuy nhiên, trong trường hợp này, lái xe Dũng đã có nhiều biểu hiện “bất thường”. Ngoài việc đâm xe vào CSGT, tài xế Dũng còn quyết tâm bỏ chạy khi lạn lách, đánh võng... gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác. Vì vậy, để ngăn chặn tài xế Dũng gây nguy cho người tham gia giao thông, lực lượng CSGT phải bám theo yêu cầu tài xế dừng xe.

“Bình thường lái xe có thể xuống xe làm việc nhưng anh Dũng lại lao xe vào cán bộ CSGT để bỏ chạy, tại sao anh Dũng lại hành động bất thường như vậy? Phải chăng xe của anh Dũng gặp vấn đề liên quan đến xử lý hình sự? Quá trình bỏ chạy, anh Dũng lái xe lạn lách, đánh võng… gây ra rất nhiều nguy hiểm cho người đi đường vì vậy hành vi này cần phải được ngăn chặn ngay”, lãnh đạo Đội CSGT số 1 cho biết.

Trao đổi với phóng viên về câu hỏi “CSGT có quyền được truy đuổi người vi phạm hay không?”, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh) cho biết: Xét dưới góc độ quy định của pháp luật thì trong Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định nào cho phép CSGT được truy đuổi người vi phạm.

Tuy nhiên, tại điểm a, khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2013 có quy định “Mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh”. Như vậy, trong trường hợp xét thấy cần thiết phải ngay lập tức “ngăn chặn kịp thời” hành vi vi phạm thì CSGT truy đuổi đối với người vi phạm cũng là phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Dù vậy, luật sư Trần Anh Tuấn vẫn cho rằng, lực lượng CSGT cần cân nhắc việc đảm bảo an toàn giao thông trước khi thực hiện việc truy đuổi.

“Việc truy đuổi phương tiện vi phạm có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác và chính bản thân chiến sĩ CSGT. Vì vậy, cán bộ CSGT phải bình tĩnh, tính toán trước khi hành động. Nếu hành vi không quá nghiêm trọng, hoặc không có dấu hiệu hình sự thì không nên truy đuổi mà nên ghi lại biển số, đặc điểm xe để xử ký “nguội”.

Thực tế, hiện có rất nhiều đối tượng manh động khi bị CSGT thông kiểm tra đã tăng tốc bỏ chạy, lạng lách bỏ chạy gây nguy hiểm cho những người đi đường hoặc cố tình đâm vào CSGT, tấn công gây thương tích cho CSGT”, luật sư Trần Tuấn Anh nêu quan điểm.

Liên quan đến việc xử lý tài xế Nguyễn Văn Dũng, lãnh đạo Công quận Hoàn Kiếm cho biết, cơ quan này đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ lái xe Dũng để điều tra về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.