Xót xa di tích bị cháy
Vụ cháy ở chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) đang khiến nhiều người mê đình chùa, di tích xót xa. Bút Tháp được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, là một trong số ít những ngôi chùa cổ ở Việt Nam còn giữ được khá nguyên vẹn và hoàn chỉnh lối kiến trúc sơ khai ban đầu. Vụ cháy rạng sáng 21.8 đã hóa tro một hương án có từ thời nhà Lê tồn tại 300 năm, toàn bộ nóc khán thờ và hai bên khán thờ cũng bị nhiệt hóa, ám khói đen.
Hiện trạng còn lại trong vụ cháy nhà Lang tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, tỉnh Hòa Bình xảy ra vào tháng 10.2013. Ảnh: T.L
Đây không phải là vụ việc đầu tiên một di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia bị cháy, mà trước đó đã có rất nhiều di tích bị thiêu rụi gây thiệt hại lớn đối với ngành bảo tồn di sản. Trong đó, phải kể đến vụ hỏa hoạn xảy ra năm 2013 tại đền thờ Trung túc vương Lê Lai (hay còn có tên gọi khác là đền Tép) ở làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Vụ cháy tại chùa Hội Sơn - một ngôi chùa cổ được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ở TP.HCM khiến chính điện, hậu cung, các tượng cổ bằng gỗ quý và cả bức hoành phi với dòng đại tự “Vạn đức hồng danh” do Vua Khải Định ban tặng cũng hóa tro bụi. Phố cổ Hội An trong 2 năm 2012-2013 cháy tới 2 lần. Cuối năm 2011, ngọn lửa bùng phát tại tòa Tam Bảo chùa Tảo Sách - ngôi chùa 600 tuổi ở Hà Nội thiêu rụi hầu hết gian nhà khoảng 60m2. Năm 2007, chùa Dơi nổi tiếng ở Sóc Trăng cũng phát hỏa khiến hàng chục tượng phật, 60 cây đèn cầy lớn, các bức màn vải hoa văn trang trí, cửa gỗ, cột, kèo và toàn bộ mái trên của chánh điện tiêu tan.
Thu hút sự quan tâm của dư luận gần đây cũng phải nhắc đến vụ cháy nhà Lang (nhà của quan lang) tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường ở tỉnh Hòa Bình xảy ra vào tháng 10.2013. Vụ cháy này, tuy may mắn không gây thiệt hại về người nhưng đã khiến ngôi nhà Lang cuối cùng và rất nhiều hiện vật quý hiếm trong bộ sưu tập văn hóa Mường bị thiêu rụi.
Họa sĩ Vũ Đức Hiếu - Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường nói với phóng viên NTNN: “Việc một di sản do bản thân tự tìm hiểu, tự bỏ tiền túi để xây dựng rồi thấy nó bị cháy là điều rất xót xa. Việc cháy không phải là hết mà nó trở thành hồi chuông cảnh báo đến cộng đồng và xã hội về sự tồn tại và mất đi của một di sản văn hóa cụ thể. Bởi vậy, sau hàng loạt những vụ cháy di sản gần đây, điều khiến chúng tôi cảm thấy cần thức tỉnh nhất là ý thức của mọi người với di sản. Với di sản, cần phải có một chế độ đặc biệt để săn sóc, không thể đối xử vô tâm, hồn nhiên. Một ngôi nhà như nhà Lang bị cháy, chúng ta không chỉ mất đi một giá trị vật chất mà cái lớn hơn là một di sản văn hóa vô hình đã kết tinh sau nhiều trăm năm, qua nhiều thế hệ”.
“Cha chung không ai khóc”
Ngày càng xuất hiện nhiều vụ cháy hủy hoại di tích liệu đã đủ để gióng lên một hồi chuông báo động với ngành di sản văn hóa? Công tác phòng cháy chữa cháy đã thật sự đảm bảo độ nhạy bén để ứng phó với các tình huống hỏa hoạn tại di tích hay chưa?... Đó là những câu hỏi cần đặt ra vào thời điểm này. Trong khi các trang thiết bị và khả năng tự xử lý tình huống tại các di tích trước khi có sự trợ giúp của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp còn nhiều hạn chế.
Trường hợp như ngôi chùa cổ Hội Sơn, cư dân và các tu sĩ hoàn toàn bất lực trước ngọn lửa hung hãn. Rút ra bài học sau vụ hỏa hoạn xảy ra năm 2012, tại di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia - tổ đình Hội Sơn (phường Long Bình, quận 9, TP.HCM), theo hòa thượng Thích Thiện Tánh- Phó ban Thường trực Ban trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM nhìn nhận: “Công tác phòng cháy chữa cháy của các tự viện hiện nay chưa tốt. Hàng năm Ban trị sự đều có nhắc nhở các tự viện về công tác phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn thật sự chưa được xem trọng”.
Một tiến sĩ khảo cổ xin được giấu tên cho biết: “Để hạn chế tuyệt đối các tai nạn hỏa hoạn trong di tích, chỉ có cách duy nhất là ngành di sản phải ra một yêu cầu các cơ sở thờ tự tuyệt đối không thắp hương và hành lễ trong khu vực điện thờ. Ở nước ngoài, không ai thắp hương sì sụp khấn vái trong các công trình tín ngưỡng đã được xếp hạng di tích đặc biệt cần được bảo tồn. Tuy nhiên, làm được điều này không đơn giản, bởi vì nó sẽ mâu thuẫn rất nhiều với tín ngưỡng thờ cúng của các cơ sở tôn giáo và các tín đồ, bởi vậy có rất nhiều cái khó”.
Thực tế hiện nay, đến bất cứ đình chùa đền nào, chúng ta cũng bắt gặp cảnh người dân thường chủ quan khi đốt nến, thắp nhang, trong khi hầu hết những vật dụng như tượng, hương án, điện thờ tại đó phần lớn bằng gỗ và dễ bắt lửa. Rất ít cơ sở thờ tự cử người đứng trông coi việc hành lễ của người dân mà hoàn toàn để tự do, và như vậy khả năng hỏa hoạn xảy ra là rất lớn. Công trình, hiện vật được lưu giữ hàng thế kỷ bỗng tan tành tro bụi do hành vi thiếu ý thức và vô trách nhiệm của một số cá nhân.
Mặc dù có nhiều vụ cháy xảy ra, thiêu rụi di tích, nhưng ai phải chịu trách nhiệm về những vụ cháy này thì vẫn còn là một câu hỏi lửng lơ trong không trung. Sự chồng chéo về chức năng quản lý nhà nước và quản lý nghiệp vụ giữa Phòng quản lý di sản và Ban quản lý di tích trực thuộc Sở VHTTD dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”. Có ban quản lý di tích trực thuộc UBND tỉnh, được giao quản lý 3 đến 4 di tích, nhưng trên thực tế các di tích này đã được chính quyền cấp huyện quản lý nên vai trò của Ban quản lý di tích rất mờ nhạt.
Trong hội thảo “Kiện toàn công tác quản lý và thực hiện nếp sống văn minh tại di tích” do Bộ VHTTDL tổ chức cách đây 2 năm, các đại biểu đều té ngửa khi phát hiện, trong “Dự thảo công tác quản lý và thực hiện nếp sống văn minh đô thị” chưa đề cập đến công tác phòng chống rủi ro tại di tích. Giữa Bộ VHTTDL và Bộ Công an chưa hề ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn công tác phòng cháy chữa cháy tại di tích. Hầu hết các ban quản lý di tích chủ yếu kiêm nhiệm, không có kinh phí dành cho công tác phòng cháy, chữa cháy. Khi có cháy chủ yếu huy động sức dân chứ không có lực lượng chính quy làm nhiệm vụ.
Điều đó lý giải vì sao, sau mỗi vụ cháy chợ, đã có những ông trưởng ban quản lý chợ phải ra tòa, ngồi tù vì để xảy ra cháy tại ngôi chợ do mình quản lý, nhưng từ trước tới nay chưa từng có một thành viên ban quản lý di tích nào phải chịu trách nhiệm về các vụ cháy. Tất cả chỉ là các văn bản “rút kinh nghiệm” gửi lên trên. Sau mỗi vụ di tích bị cháy khiến dư luận xót xa, tiếc nuối một thời gian nhưng rồi tất cả lại chìm vào quên lãng.
Trên đổ cho dưới Liên quan đến việc các vụ cháy di tích xảy ra trong những năm gần đây gây nhiều thiệt hại cho di sản, trong 2 ngày 24 và 25.8, phóng viên NTNN đã liên lạc với rất nhiều chuyên gia là thành viên của Hội đồng Di sản quốc gia nhưng không nhận được câu trả lời. Ngày 25.8, phóng viên liên lạc với bà Đặng Thị Bích Liên- Thứ trưởng Bộ VHTTDL phụ trách Cục Di sản, bà Liên đề nghị phóng viên làm việc với Cục Di sản văn hóa. Khi chúng tôi đề nghị làm việc với Cục Di sản văn hóa, ông Nguyễn Quốc Hùng- Cục trưởng đã từ chối và cho biết: “Tạm thời vào thời điểm này, chúng tôi chưa thể trả lời phỏng vấn báo chí. Trách nhiệm phòng chống cháy nổ cho các di tích là rất quan trọng nhưng nó phụ thuộc rất nhiều vào công tác cụ thể của các địa phương. Địa phương có thường xuyên kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại di tích hay không, có dành kinh phí cho việc đó hay không, điều đó mới quan trọng. Còn Cục Di sản văn hóa chỉ là đơn vị quản lý nhà nước, các địa phương đã được phân cấp quản lý trực tiếp di sản”. Mai An |
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính- Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Phải phân định rõ trách nhiệm Di sản của cha ông để lại không thêm, chỉ vơi đi thôi. Đánh mất là mất hẳn. Chúng ta chỉ nên coi mình là thế hệ tiếp nối của chuỗi lịch sử. Bổn phận của chúng ta trước tiên là chuyền các di sản hiếm hoi từ dĩ vãng sang bàn tay các thế hệ tiếp sau. Bởi thế cần phải phân định rõ trách nhiệm trong việc bảo quản di tích, có như thế thì người được giao trách nhiệm mới ý thức được nghĩa vụ của mình. Ông Nguyễn Hoài Nam - hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam: Tuyên truyền mạnh về giá trị di sản Những người yêu và có lòng gìn giữ di tích nhiều, song số lượng người thiếu ý thức cũng không hề nhỏ. Vì vậy, cần mở lớp tập huấn để dạy cho họ biết về giá trị những kiến trúc, nét đẹp văn hóa của di sản, qua đó để người địa phương biết cách bảo quản ngôi đình, chùa của họ. Đồng thời phải nâng cao trách nhiệm của người quản lý, đòi hỏi họ phải có chuyên môn và trình độ nhất định về văn hóa và công tác bảo tồn gìn giữ di sản. Đối với những di tích bị cháy, muốn phục dựng lại trong thời đại ngày nay là điều không khó nếu có đầy đủ tư liệu. Tuy nhiên, phục dựng chỉ là phục dựng, còn những cái quý giá nhất đã mất rồi. Bùi Mỵ (ghi) |