Dân Việt

Nơi “khỉ ho cò gáy” nhưng không lạc hậu

Trần Văn Việt 28/08/2015 06:00 GMT+7
Tuy là nơi “khỉ ho cò gáy” đấy! nhưng Đăk Sao (một làng thuộc xã Đăk Rinh, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) lại rất văn minh, bức tranh không gian sống thì đầy nguyên sơ và bền vững.

Làng Đăk Sao trở thành “miền núi mới” ở trong cái “thời đại nông thôn mới” của miền xuôi, nơi mà ta thường chỉ nghe bàn về “tiêu chí” xã, huyện, và tỉnh nông thôn mới (NTM).

“Khỉ ho cò gáy” nhưng không lạc hậu

Bất cứ ai từng một lần đến Đăk Sao đều sẽ nhớ mãi vì cái chất “khỉ ho cò gáy” của nó. Đăk Sao như một mảnh trăng khuyết giữa đại ngàn xanh thẳm, quanh làng luôn râm ran tiếng chim kêu vượn hú, vị trí thì ở xa tít tận trong rừng sâu. Nơi ấy lọt thẳm trong tận cùng của Khu bảo tồn thiên nhiên Thạch Nham, là nơi giáp ranh giữa 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum.

img

Làng  Đăk Sao được bao bọc bốn bề bởi “rừng tâm linh”, cuộc sống no đủ và văn minh. Ảnh: Văn Sự

Nó “xa tít” đến nỗi: Không chỉ xa từ Hà Nội vào Kon Tum, từ Kon Tum về huyện Kon Plông, từ Kon Plông vào xã Đăk Rinh; mà từ trung tâm xã Đăk Rinh phải mất nửa ngày đường, chỉ có thể đi bộ và leo dốc, mới vào đến làng Đăk Sao.

Nói về sự xa xôi – hẻo lánh của vùng này, không chỉ là cảm nhận của những vị khách (đoàn công tác của Viện Tư vấn phát triển - CODE) mà ngay cả “chủ nhà” - ông Chủ tịch UBND xã Phan Văn Mậu - cũng phải thốt lên: “Ở đây, một xã rộng bằng một huyện, một huyện rộng bằng một tỉnh ở miền xuôi…; nhưng dân số thì lại ngược lại và làng Đăk Sao từng bị chia cắt gần một tháng trời bởi trận lũ năm lịch sử năm 2009 đó các anh ạ”.

Tuy là nơi “khỉ ho cò gáy” đấy! nhưng Đăk Sao lại rất văn minh, bức tranh không gian sống thì đầy nguyên sơ và bền vững. Vì Đăk Sao vẫn giữ trọn vẹn bốn bên là rừng nguyên sinh bao bọc làng, xen lẫn là những mảnh ruộng bậc thang ven khe suối; đầu làng có vùng rừng thiêng để thờ thần; rồi nhà nào cũng có ao cá, treo trên các sườn đồi như “vườn treo Babylon”, mà nguồn nước được dẫn từ trong rừng mà ra…

Vì trong làng Đăk Sao, nhà rông (một biểu tượng văn hóa Tây Nguyên) được bố trí ở khu trung tâm, nhà các hộ gia đình, khu chăn nuôi… được sắp xếp theo từng lớp rất trật tự, tạo cho không gian kinh tế - sinh thái - văn hóa cho 34 hộ gia đình cộng đồng người Ka Dong trở thành một bức tranh đầy thơ mộng.

Vì Đăk Sao rất đẹp theo “đúng chất bản/làng”, đó là 100% hộ dân quanh năm no ấm, mọi sản phẩm cho đến vật dụng gia đình đều được đáp ứng một cách bền vững theo kiểu “tự cung – tự cấp” từ rừng và đất rừng - không lệ thuộc từ bên ngoài.

Với 12ha toàn bộ diện tích trồng lúa nước của làng, 34 hộ gia đình, 121 khẩu; họ chỉ trồng lúa một vụ mà vẫn không những đủ gạo ăn cho cả năm, mà còn có tích trữ trong những kho lúa theo kiểu “kho giữ trữ quốc gia” ở miền xuôi. Già Làng A Đí chia sẻ: “Với các kho thóc đầy thì dù có thiên tai, mất mùa 1 đến 2 năm thì người dân trong làng cũng không lo bị đói…”.

Thậm chí, khi được hỏi về việc có hay không việc sử dụng các giống lúa mới (năng suất cao) của miền xuôi, anh A Nghị- Trưởng làng đáp một cách giứt khoát: “Không! Vì nhu cầu người dân chỉ cần đủ no; hơn nữa làm lúa truyền thống thì chủ động được giống, không dịch bệnh, ăn ngon, và đặc biệt là để cúng các vị thần đúng với giống từ bao đời nay”.

Gìn giữ giá trị truyền thống

Đăk Sao còn gìn giữ được và tôn vinh cái chất miền núi của mình theo cách rất riêng. Đó là Đăk Sao không cần “những cổng làng đẹp, những con đường bê tông hào nhoáng”; mà ẩn chứa bên trong sự mộc mạc – đơn sơ là “hồn làng” vẫn còn sâu đậm.

Dường như, nhờ sự “xa xôi – hẻo lánh” mà trong chuyến công tác, đoàn cũng được chứng kiến nhiều nét đẹp Đăk Sao còn lưu truyền đến “không thể tin nổi”. Một trong số đó là những tiếng chào rất hồn nhiên của những đứa trẻ trong làng. Sự thể là: Trên đường “cuốc bộ” gần nửa ngày vào Đăk Sao, đoàn được gặp hàng chục trẻ em, tuổi chỉ tầm học lớp từ lớp 1 đến lớp 3 đi bộ rong ruổi để ra vùng hạ du vì sự nghiệp tìm “con chữ” cho tương lai. Trong sự tình cờ giáp gặp đó, chúng tôi rất ngạc nhiên khi được từng em đi qua cứ luôn câu đầu cửa miệng, đồng thời vòng tay và cúi xuống lễ phép nói: “Cháu chào chú ạ”.

Đây quả là một điều hiếm hoi ngày nay, nó gợi lại cho chúng tôi những hoài niệm về nét đẹp “nông thôn cũ” ngày xưa – mọi giá trị từ tinh thần cho đến vật chất được tôn vinh. Bởi trong xây dựng buôn/làng, cũng là “huy động sức dân”, “phát huy nội lực”… như nhiều khẩu hiệu của NTM ở miền xuôi; nhưng người Ka Dong làng Đăk Sao huy động bằng “luật tục”, “niềm tin – tín ngưỡng”, “giá trị truyền thống”…

Vì với Đăk Sao, vẫn còn nguyên “cái uy” của già làng để bảo tồn các giá trị chuẩn mực, cấu trúc và quy định truyền thống, điều hòa các mối quan hệ gia đình và dòng họ, ổn định đời sống và quản lý bền vững đất, rừng, khe suối – nguồn nước…

Vì ở Đăk Sao, cuộc sống hàng ngày được tin tưởng và duy trì bền chặt bởi các nghi lễ truyền thống, như lễ Gieo sạ/Cắm nêu, lễ cúng Lúa mới, lễ cúng Nguồn nước…- tất cả đều do già làng chọn ngày, quyết định nghi lễ…

Có một điều rất đặc biệt là, nhiều lễ hội vậy, nhưng tất cả đều được quy định cụ thể với rất nhiều tiểu tiết nhưng lại không cần “văn bản – giấy tờ” nào ghi chép lại; mà chỉ cần truyền miệng qua từng thế hệ. Nói về sự “truyền miệng” này, A Nghị, cũng là người được người cha quá cố của mình truyền lại nhiệm vụ thực hiện các nghi lễ cúng rừng của làng, nói: “Cũng không biết được, chỉ khi còn nhỏ thấy cha bảo làm vậy, thì giờ cứ thế làm, chứ cũng không có ghi chép gì, cứ truyền nhau từ đời này sang đời khác”.

Ngẫm và nghĩ

imgKể sao hết những vẻ đẹp thiên nhiên, sự bí ấn của Đăk Sao bây giờ? Vì còn rất nhiều luật tục, giá trị, và kể cả những điều chưa biết khác nữa, như: Tại sao lại gọi tên làng là Đăk Sao; rồi Đăk Sao còn có những khu rừng rất “kỳ lạ” như khu rừng là nơi chôn nhau (của trẻ sơ sinh), rừng nghĩa địa (mai táng người đã khuất), rừng thiêng (để tổ chức các lễ truyền thống), rừng cây thuốc nam (như là kho thuốc của làng)…

Nhưng chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng đủ cho thấy việc xây dựng buôn/làng văn minh, no ấm thông qua các giá trị truyền thống ở Đăk Sao là “có một không hai” – là NTM đúng nghĩa nhưng lại diễn ra ở nơi miền biên viễn của núi rừng Tổ quốc, và ta có thể gói gọn bằng cụm từ “miền núi mới”.

“Miền núi mới” của làng Đăk Sao là tài sản còn sót lại của Tây Nguyên khi mà những nguy cơ về “mất rừng là mất văn hóa, mất văn hóa là mất Tây Nguyên” đang ngày càng trở nên hiện hữu – như nhà văn Nguyên Ngọc của tác phẩm nổi tiếng – Rừng Xà nu-  đã từng khẳng định trong một hội thảo quốc tế về Tây Nguyên, diễn ra tháng 2.2015.

Chúng tôi rời Đăk Sao khi mặt trời đã đứng bóng, rồi cả đoàn lại cuốc bộ về trung tâm xã Đăk Rinh. Đăk Sao, ai cũng ngoái đầu nhìn những cánh rừng già, nguyên sinh của nơi này và tự đặt câu hỏi: “Cũng là vùng xa xôi, khó khăn; người dân cũng cần có kế sinh nhai, nhưng tại sao họ lại không phá rừng?”. Câu trả lời có lẽ chính là yếu tố con người, mà người dân Đăk Sao đã tạo nên bản sắc riêng của mình. 

 Ngẫm nghĩ về câu chuyện của Đăk Sao, chúng tôi thầm nghĩ, cách làm ở đây sẽ càng ý nghĩa hơn, nếu kiểu “miền núi mới” của Đăk Sao được nhân rộng ra cho các vùng biên viễn, nơi vốn dĩ chiếm 50% và 25% lần lượt là diện tích tự nhiên và dân số cả nước, nơi là địa đầu cho an ninh Quốc gia.