Dân Việt

Sẽ sản xuất MBH dành riêng cho phụ nữ dân tộc thiểu số?

Vinh Hải 27/08/2015 15:27 GMT+7
Có nên sản xuất loại mũ bảo hiểm (MBH) dành riêng cho phụ nữ dân tộc thiểu số hay không là những vấn đề được đặt ra tại cuộc Hội thảo do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức sáng nay (27.8).

Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng vấn đề đội MBH cho phụ nữ dân tộc thiểu số tiềm ẩn nhiều rủi ro vì những rào cản của yếu tố phong tục, trang phục truyền thống. Theo phong tục, tập quán của một số dân tộc, phụ nữ phải búi tóc cao (tằng cẩu) hoặc chít khăn khi ra đường khiến chiếc MBH đội trên đầu mất đi tính bảo vệ vốn có.

img

Phụ nữ búi tóc cao khiến chiếc MBH mất đi tính bảo vệ vốn có

Ông Dương Anh Tài – Công ty Mũ bảo hiểm nhiệt đới Protec lấy ví dụ: “Như với người phụ nữ dân tộc Thái đen, việc đội MBH trên đầu chỉ để bảo vệ búi tóc. Khi xảy ra va chạm mũ rất dễ bị xô lệch khỏi đầu. Nhưng cũng không thể trách được người đội mũ vì đó là nét văn hóa truyền thống. Họ muốn chấp hành Luật giao thông nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ khó khăn này”.

Đại diện các doanh nghiệp sản xuất MBH đưa ra hai ý tưởng để sản xuất loại mũ dành riêng cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Một là mũ có khoét lỗ trên đỉnh, hai là loại mũ lớn có khả năng ôm toàn bộ vùng búi tóc và phần đầu của người đội. Tuy nhiên, cả hai cả hai phương án này đều chưa có trong quy chuẩn về MBH tại Việt Nam.

Ông Lại Huy Danh – Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ KHCN) cho biết, theo quy chuẩn 2:2008, hiện chỉ có 3 loại MBH là loại nửa đầu (loại mũ che tai và loại mũ che cả hàm). Nói cách khác, MBH theo quy chuẩn có kiểu, hình dáng, kết cấu được quy định tại quy chuẩn Việt Nam. Các chỉ tiêu kỹ thuật, phương pháp thử và thiết bị thử nghiệm MBH là của nước ngoài, chính vì vậy MBH khó có thể được sản xuất theo yêu cầu người sử dụng.

Ông Danh cũng cho rằng phương án MBH khoét lỗ ở trên đầu chắc chắn không đảm bảo chỉ tiêu đâm xuyên khi kiểm định. Còn đối với loại mũ trùm lên cả phần tóc, độ cao cùng trọng lượng mũ sẽ tăng so với mũ thông thường, các chỉ tiêu an toàn cũng khó đảm bảo.

Trước những khó khăn về tiêu chuẩn kỹ thuật để sản xuất loại MBH riêng cho phụ nữ dân tộc thiểu số, PGS.TS Lê Thị Hoài Phương cho rằng: “Thay vì sản xuất loại mũ riêng, có thể tuyên truyền, vận động để chị em tạm thời bỏ tằng cẩu, khăn chít khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy. Đối tượng vận động là chồng, gia đình nhà chồng chứ không chỉ là người phụ nữ dân tộc”.

Ông Khuất Việt Hùng đề nghị một số nhà sản xuất MBH nghiên cứu đưa ra thiết kế mẫu dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số có búi tóc, chít khăn trên đầu để lấy ý kiến khảo sát tại một số tỉnh vùng núi phía Bắc.

Sau đó, Ủy ban ATGT sẽ có văn bản chính thức đề nghị Bộ KHCN nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung phụ lục về quy chuẩn dành riêng cho loại MBH kể trên.

Ông Hùng cho hay: “Dù số lượng phụ nữ dân tộc thiểu số chỉ chiếm số nhỏ nhưng vẫn phải quan tâm, nghiên cứu. Việc nghiên cứu loại MBH riêng cho phụ nữ dân tộc thiểu số cần tiến hành cùng với quá trình tuyên truyền, vận động người dân đội MBH một cách an toàn”.