Dân Việt

"Tháng 7 cô hồn" ở các quốc gia Đông Á

Đông Phong (tổng hợp) 28/08/2015 06:00 GMT+7
Tháng 7 Âm lịch được người dân ở nhiều nước Đông Á gọi là "tháng cô hồn" và có nhiều hoạt động tưởng nhớ đến người đã khuất với tấm lòng thành kính.

img

Tháng 7 âm lịch là một tháng quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng của người Trung Quốc bởi họ cho rằng, đây là tháng mà cánh cửa âm ty mở ra để các linh hồn quay trở lại dương gian. Bởi vậy, đây là lúc người dân nước này đi thăm viếng, sửa sang phần mộ người đã khuất.

img

Trong dịp này, người Trung Quốc cũng đốt nhiều vàng mã để cầu mong người đã khuất ở dưới suối vàng không quấy rầy đến công việc làm ăn, sinh sống của người đang sống cũng như cầu mong có thêm nhiều may mắn.

img

Ở mỗi nơi trên khắp Trung Quốc lại có những phong tục khác nhau như tại Thượng Hải có tục thả đèn lồng, trong khi ở Sơn Tây lại có lệ nặn hình mèo hổ bằng bột ngũ cốc, hay tục giết gà vịt để cúng bái tổ tiên vào rằm tháng 7 ở Quảng Tây.

img

Trong khi đó, người dân Đài Loan cũng gọi tháng 7 là tháng Cô hồn khi cho rằng ma quỷ sẽ hiện diên trong cả tháng. Vào ngày 14 tháng 7 âm lịch, ở Đài Loan sẽ có một ngày hội thả đèn hoa đăng lớn nhằm tưởng nhớ đến các linh hồn đã khuất.

img

Tương tự như Việt Nam, người dân trên đảo Đài Loan cũng có nhiều điều kiêng kỵ như tránh làm những chuyện lớn như làm nhà, mua xe, các chuyện hỷ sự... Họ cũng tránh nói ra địa chỉ nơi ở để không bị ma quỷ làm phiền.

img

Tại Nhật Bản, ngày lễ Vu Lan  hay còn gọi là Bon-Odori lại có phần đặc biệt hơn khi được tổ chức theo từng vùng khác nhau. Các tỉnh ở phía Đông của Nhật Bản thường tổ chức lễ OBoni vào tháng Bảy trong khi các tỉnh ở phía Tây thì lại tổ chức vào tháng Tám.

img

Lễ Obon ở Nhật Bản mang nhiều ý nghĩa trong cộng đồng người Nhật. Nó không chỉ là ngày để tưởng nhớ đến tổ tiên ông bà mà còn là ngày gia đình tụ họp gặp gỡ nhau. Trong những ngày lễ Obon diễn ra, người dân Nhật Bản còn tổ chức nhảy múa, gọi đó là những điệu nhảy Obon với mong muốn sau ngày lễ này, người thân đã mất của họ ở dưới âm phủ sẽ sớm được siêu thoát.

img

 Đặc biệt nhất là Lễ Dâng lửa để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất quay trở về trời vào đêm 16 tháng 8. Lễ hội này thu hút rất nhiều người Nhật Bản cũng như du khách từ khắp các nơi trên thế giới đến chiêm ngưỡng. Trong Lễ dâng lửa linh thiêng này, 5 đám lửa lớn sẽ được đốt lên lần lượt ở trên 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng một giờ đồng hồ.

img

Trong khi đó, tại các nước có cộng đồng người Hoa lớn như Singapore, Malaysia, Indonesia, Rằm tháng 7 cũng được xem là ngày lễ lớn ở đây. Trong ảnh là một lễ rước vào ngày Rằm tháng 7 ở Kuala Lumpur, Malaysia.

img

Tại Malaysia, Rằm tháng 7 còn được gọi là ngày Tổ Tiên, hay là Lễ hội tháng Bảy. Theo phong tục, vào ngày này người dân sẽ nghỉ làm tất cả các công việc đồng áng và cử hành nghi thức siêu độ vong linh. Trong ảnh là hình ảnh một thầy cúng đang làm lễ cầu siêu vào lễ Vu Lan tại Kula Lumpur, Malaysia.

img

Tại Singapore, cộng đồng gốc Hoa thường tổ chức những buổi biểu diễn lớn có tên gọi là Gentai trong dịp tháng 7 âm lịch, nhất là vào ngày Rằm. Điều đặc biệt là ở các buổi biểu diễn này, hàng ghế đầu luôn để trống, được xem như là "ghế cho ma ngồi". Nếu ai vô tình ngồi vào hàng ghế này, sẽ gặp nhiều xui xẻo và bệnh tật trong năm.

img

Ngoài các sân khấu biểu diễn ca kịch lớn, người gốc Hoa ở Singapore cũng đốt nhiều vàng mã, cầu mong cho các linh hồn người đã khuất sớm siêu thoát.

img

Tháng 7 âm lịch hàng năm cũng là dịp cộng đồng người Hoa lớn ở Indonesia tập trung chính ở thành phố Medan, tỉnh Bắc Sumatra tổ chức nhiều hoạt động lớn như cầu siêu, đốt vàng mã...

img

Cảnh đốt vàng mã của người dân Indonesia gốc Hoa ở Medan, Bắc Sumatra.