Hàng nhập lậu có xuất xứ từ Trung Quốc tràn ngập từ thành phố đến ngõ ngách vùng quê. Ở nhiều ngã tư đường trên địa bàn TP.HCM, luôn xuất hiện những nhóm bán đồ chơi dạo, sản phảm phong phú, nhiều màu sắc, dụ dỗ trẻ em rất khéo. Đa số người dân không có nhận thức về những thiệt hại và nguy hại cho bản thân và cho quốc gia khi xài hàng lậu, chỉ thấy rẻ là mua.
Ngay tại Trung Quốc, nhiều sản phẩm ăn uống và đồ chơi trẻ em bị phát hiện có nhiễm chất độc, dư luận lên án và người tiêu dùng tẩy chay. Rất có thể các loại hàng hóa đó được tuồn sang Việt Nam để tiêu thụ. Nếu như người dân không đề phòng và thiếu hiểu biết, bỏ tiền ra mua thì gánh họa vào thân.
Khó lòng để trách người dân nhưng không thể tha thứ cho những kẻ buôn lậu. Vì lòng tham họ đã bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng trong đó có trẻ em. Tội nặng hơn, họ đã tiếp tay cho việc phá hoại nền kinh tế đất nước.
Mỗi một kiện hàng lậu tràn vào Việt Nam là một đòn đánh vào nền sản xuất của đất nước, là một nguồn ngoại tệ chảy ra nước ngoài. Kẻ buôn lậu làm giàu để đất nước nghèo, họ kiếm tiền trên sức khỏe của trẻ em và gieo nhiều mối họa khác cho cộng đồng. Những kẻ buôn lậu và tiếp tay cho buôn lậu đang ngang nhiên hoạt động, bằng chứng là hàng lậu tràn lan trên thị trường.
Những kiện hàng đó không phải vô hình, nhưng nó vẫn ùn ùn vượt qua được cửa khẩu, lưu thông khắp đất nước, vậy thì ai tiếp tay cho buôn lậu? Cả một hệ thống các cơ quan được cấp lương và công cụ để chống buôn lậu đã làm gì để ra nông nỗi này? Đó là những câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý và đang chờ đợi câu trả lời không phải là lời nói mà bằng hành động. Khi nào còn hàng lậu có xuất xứ từ Trung Quốc trên đất nước này thì những người có trách nhiệm chưa hoàn thành trọng trách.
Từ những vụ bắt hàng lậu này nghĩ đến một điều, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng bên lề để xem đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc hoành hành. Những món đồ chơi rất đơn giản, không cần đầu tư công nghệ cao, nhưng các nhà sản xuất trong nước không làm được, thị trường đồ chơi trẻ em giao hết cho các nhà sản xuất nước ngoài. Họ đưa hàng ngập tràn Việt Nam, chính ngạch có, luồn lách có. Chỉ món đồ chơi trẻ em cũng để cho người khác lấn lướt thì giàu sao được, mạnh sao được. Càng nghĩ càng cay đắng.
Trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa làm được các loại đồ chơi đủ sức cạnh tranh với hàng của nước ngoài, thì bên cạnh khẩu hiệu “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, cần hô to thêm khẩu hiệu “Tẩy chay hàng nhập lậu”.
Chân Tâm