Dân Việt

Sông Kôn “cõng” 14 thủy điện: “Ảnh hưởng môi trường thì loại bỏ”

Mai Hương (thực hiện) 29/08/2015 08:04 GMT+7
“Trong 14 dự án thủy điện lớn nhỏ trên dòng sông Kôn, nếu địa phương thấy cái nào không hiệu quả, lại ảnh hưởng môi trường, cuộc sống của người dân thì hãy chủ động loại bỏ, không nhất thiết phải đầu tư”.

Ông Trần Viết Ngãi-Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã nói như vậy khi trả lời phóng viên NTNN sau khi NTNN đăng loạt bài thủy điện dày đặc tàn phá sông Kôn.

Thưa ông, việc có quá nhiều các dự án thủy điện trên sông Kôn đã được nói đến từ cách đây vài năm, nhưng tại sao đến nay, dòng sông này vẫn đang phải gồng mình gánh chịu nhiều dự án thủy điện đến như vậy?

img

Đập đầu mối thủy điện Định Bình.  Ảnh: TTXVN

- Đúng là chỉ trên một đoạn của sông Kôn từ xã Bình Tường (Tây Sơn) lên xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) với chiều dài trên dưới 80km và cả lưu vực các con suối tại các xã thượng nguồn Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim đến nay đã có đến 14 dự án xây dựng nhà máy thủy điện lớn, nhỏ. Ngoài một số dự án thủy điện có công suất lớn như Vĩnh Sơn 1, Vĩnh Sơn 2, An Khê… thì các dự án thủy điện còn lại đều nhỏ, sản xuất không đáng bao nhiêu điện.

Để đảm bảo phát triển thủy điện một cách bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường – xã hội, các nhà máy thủy điện phải vận hành theo đúng quy trình được phê duyệt, bảo đảm hiệu quả phát điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của hạ du, cắt giảm lũ, hạn chế các tác động tiêu cực đối với hạ du; thực hiện công tác bảo vệ và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường, quy định về dòng chảy tối thiểu ở hạ du các hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa về mùa kiệt trên các lưu vực sông...

Với 14 dự án thủy điện trên sông Kôn hiện nay chiếu theo những điều ở trên, nếu địa phương thấy dự án nào không gây hạn chế dòng chảy, mùa lũ không gây ngập, mùa hạn không thiếu nước thì vẫn có thể phát triển thủy điện. Còn dự án nào thấy tác hại thì nên dừng lại, có nhất thiết phải đầu tư đâu.

Nhưng địa phương lại cho rằng, đây là các dự án đã được quy hoạch, phê duyệt từ Trung ương, thưa ông?

- Tất cả các dự án này đều được Bộ Công Thương quy hoạch và phê duyệt xây dựng theo hệ thống thủy điện “bậc thang”. Tuy nhiên, việc phê duyệt, quy hoạch là một chuyện còn việc quyết định đầu tư xây dựng như thế nào là do địa phương quyết. Vấn đề ở đây là lợi ích của địa phương. Họ phải tự tính toán, cân nhắc khi quyết định cho đầu tư dự án thủy điện nào và đầu tư bao nhiêu dự án thủy điện trên sông Kôn thì vừa.

Nhưng chính lãnh đạo của địa phương này cũng kêu than rằng, việc quy hoạch xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện đã hủy hoại nhiều hécta rừng và đất canh tác của bà con, chưa kể trong quá trình xây dựng do các chủ đầu tư và nhà thầu làm ẩu, còn gây tác hại đến môi trường, bồi lấp dòng chảy của sông Kôn, thưa ông?

img

"Quan điểm của tôi là những công trình thủy điện thực hiện đồng bộ, hiệu quả kể cả về phát triển điện cũng như bảo đảm an toàn người dân và công trình thì nên làm. Còn lại phải kiên quyết dừng, loại khỏi quy hoạch những công trình thủy điện không đạt hiệu quả kinh tế -  xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường”.

Ông Trần Viết Ngãi

- Tôi khẳng định, thủy điện bậc thang nếu làm một cách khoa học, vừa phải thì ảnh hưởng tới môi trường là không lớn. Các dự án thủy điện bậc thang cũng phá rừng ít hơn vì các dự án này không phải khoanh vùng, làm hồ chứa nước lớn. Tuy nhiên, nếu các dự án làm nhiều, thiếu khoa học, tính toán sẽ gây ảnh hưởng toàn bộ, đồng thời còn làm ảnh hưởng tới dòng chảy của sông Kôn.

Thủy điện bậc thang nhỏ thực tế vẫn có hiệu quả và có ích nếu được làm một cách bài bản, đúng cách và phù hợp với điều kiện địa phương chứ không phải hoàn toàn không đem lại gì. Còn về các dự án thủy điện trên sông Kôn bị phản ánh là phá rừng, ảnh hưởng xấu môi trường, đời sống người dân như thế nào thì trách nhiệm trước hết phải thuộc về chính quyền địa phương và các chủ đầu tư dự án thủy điện. Chính vì thế tôi mới nói, địa phương phải tính toán lại xem việc đầu tư thủy điện của mình lợi hại ra sao để điều chỉnh; hạn chế, dẹp bỏ các thủy điện không có lợi ích gì nhiều.

Với các dự án thủy điện trên sông Kôn, quan điểm của tôi là những công trình thủy điện thực hiện đồng bộ, hiệu quả kể cả về phát triển điện cũng như bảo đảm an toàn người dân và công trình thì nên làm. Còn lại phải kiên quyết dừng, loại khỏi quy hoạch những công trình thủy điện không đạt hiệu quả kinh tế xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường, không bảo đảm an toàn cho người dân. Việc phát triển thủy điện phải làm sao không trở thành nỗi ám ảnh với người dân.

Xin cảm ơn ông!

Ông Đỗ Đức Quân - Vụ trưởng Vụ Thủy điện - Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương): Địa phương đề nghị bỏ sẽ nhất trí bỏ!

Về các dự án thủy điện trên sông Kôn hiện nay chúng tôi chưa nhận được văn bản nào của địa phương về việc đề nghị bãi bỏ. Nếu địa phương đề nghị bỏ dự án nào thì chúng tôi sẽ nhất trí bỏ dự án đó. Bộ Công Thương mới đây đã có văn bản đề nghị tỉnh rà soát lại các dự án thủy điện này. Cơ bản là tỉnh còn vướng các thủ tục về đầu tư, đã giao tư vấn thiết kế các dự án thủy điện nên chưa thể bỏ được.

Sau khi tỉnh rà soát lại, nếu dự án thủy điện nào cần bỏ mà không còn vướng víu gì thì Bộ Công Thương sẽ ủng hộ  địa phương ngay bởi thủy điện nhỏ hiện nay cũng không còn quá quan trọng, đầu tư mà không đem lại hiệu quả thì không nên đầu tư thủy điện nhỏ.

Bộ Công Thương đã quy hoạch và phê duyệt rõ ràng các dự án thủy điện trên sông Kôn nhưng thẩm quyền cấp phép đầu tư là của địa phương, cho nhà đầu tư nào nghiên cứu đầu tư là quyền của tỉnh.

Về hệ thống sông Kôn hiện nay, việc quy hoạch 14 hay 20 dự án thủy điện là bình thường, vấn đề quan trọng là dòng chảy của sông như thế nào, có đáp ứng được không?  Dự án thủy điện nhỏ, đấu lưới không khó, không gây ngập đất thì ủng hộ đầu tư; còn lại là dẹp bỏ.

Khi chúng tôi loại bỏ các dự án thủy điện trên sông Kôn đều hỏi chính quyền địa phương có ý kiến gì không? Các dự án không cần thiết, ảnh hưởng đến môi trường và dân sinh thì đều loại bỏ. Bộ còn chủ động đề nghị loại bỏ bớt dự án thủy điện nữa nhưng địa phương còn vướng chưa bỏ được.

Nguyễn Phương (ghi)