Hết tập tục lạc hậu
Con đường từ xã Mường Hung đến bản Huổi Bua đẹp như tranh vẽ, với một bên là núi non trùng điệp, một bên là suối chảy róc rách, nhìn về phía trước những dãy núi với những đồi sắn, lúa nương xanh mướt. Sơn thủy hữu tình là vậy, nhưng ít ai dám đi trên cung đường này, bởi con đường nhỏ hẹp, đá núi lởm chởm, trơn trượt.
Bản Huổi Bua là bản biên giới với 100% hộ là người dân tộc Mông. Những năm trước đây, do ở vùng sâu, vùng xa, giao thông khó khăn nên dân bản vẫn giữ nhiều tập tục lạc hậu như thách cưới cao, có bệnh không đi trạm xá mà chỉ ở nhà mời thầy cúng đến cúng, đẻ nhiều con... Bằng uy tín và sự kiên trì, ông Sồng Páo Ly đã thuyết phục, vận động bà con dần dần từ bỏ các hủ tục lạc hậu.
Ông Sồng Páo Ly là tấm gương vượt khó để bà con noi theo. Ảnh: Nguyễn Thịnh
“Ngày trước, đám cưới tốn kém lắm, nhà nào cũng thách cưới bằng bạc trắng, cùng mấy chục con lợn, gà. Cưới xong về cả hai vợ chồng đều mắc nợ, phải làm nhiều năm mới trả xong. Đời mình đã như thế rồi, đời con, cháu mình phải văn minh hơn chứ. Tôi cứ lấy nhiều tấm gương ở bản ra, đi vận động bà con bỏ bớt những thủ tục rườm rà. Hơn 10 năm nay, ở bản không còn thách cưới bằng bạc trắng đâu, thay vào đó là một tiệc cưới trang trọng mà tiết kiệm. Khi có con gái gả chồng, nhà gái chỉ thách cưới 3 triệu đồng (bao gồm tất cả các lễ) để tổ chức một bữa liên hoan thôi” – ông Ly kể.
Các tập tục khác như cúng ma rừng, sinh nhiều con, trồng cây thuốc phiện cũng được dân bản từ bỏ. Bản Huổi Bua nhiều năm liền không xảy ra tranh chấp đất đai, ruộng nương. Người Mông không còn sinh đẻ nhiều, con cái đều được đi học.
Tấm lòng tương thân tương ái
"Toàn xã có 44 bản, với gần 9.000 khẩu. Địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp đã khiến nhiều đối tượng lợi dụng địa hình để buôn bán, tàng trữ ma túy, gây mất ổn định an ninh khu vực. Nhưng nhờ có những người uy tín như ông Sồng Páo Ly tuyên truyền tình trạng trên đã giảm hẳn”. |
Ông Ly có được uy tín như vậy, một phần nhờ tinh thần luôn giúp đỡ mọi người. Cuối năm 2013, gia đình ông Sồng A Chu (40 tuổi), thuộc hộ nghèo của bản bị đau dạ dày nên phải vào Bệnh viện Đa khoa Sông Mã điều trị 2 tuần.
Thương gia cảnh, ông Ly đã huy động bà con trong bản góp công, góp của để hỗ trợ gia đình ông Chu vượt qua khó khăn. Nhà ít hỗ trợ 50 nghìn đồng, nhà có kinh tế khá hơn ủng hộ 100 nghìn đồng, tổng số tiền cả bản là 2,5 triệu đồng. Thời gian ông Chu nằm viện, các hộ cắt cử người đến làm giúp nhổ cỏ lúa.
Hay như giữa năm 2014, anh Sộng Khua Ly, 30 tuổi (hộ nghèo) vì đào bới tìm con dúi, không may bị đất lở đè chết, để lại vợ và 3 con nhỏ (lớn mới 7 tuổi, nhỏ 3 tuổi). Là lao động chính trong gia đình nên từ khi anh mất, gia đình càng thêm khó khăn. Ông Ly đã họp bản, huy động sự giúp đỡ, kết quả là 50 hộ hỗ trợ gia đình ông Sộng Khua Ly gần 5 triệu tiền mặt và gần 4 tạ thóc, giúp gia đình lo ma chay và đủ ăn trong 4 tháng.
Bằng những việc làm thiết thực, thuyết phục có tình có lý, bà con bản Huổi Bua càng thêm tin yêu vào vị trưởng bản, Bí thư Chi bộ thôn Sồng Páo Ly. Vì thế, khi có chủ trương, chính sách mới của Nhà nước được ông Ly tuyên truyền là bà con đều nghe theo.