Cứ bỏ lại hút vì tăng cân
Chị Đinh Bách Thảo (27 tuổi, TP.Hồ Chí Minh) nghiện thuốc lá đã 10 năm. Lúc đầu, chị cũng theo bạn bè hút cho vui, đỡ những lúc mệt mỏi, buồn phiền. Lúc thất tình, rồi thất nghiệp lại càng hút riết, đến lúc nghiền thì không bỏ được. Chị cũng biết hút thuốc lá gây nhiều tác hại cho sức khỏe. Chị thường xuyên bị ho, viêm họng, răng cũng vàng ệch, nhiều lần phải đi tẩy vì khói thuốc lá.
Chị đã nhiều lần quyết tâm bỏ thuốc nhưng bỏ được vài tuần chị tăng cân vù vù nên cuối cùng lại phải hút lại. “Em hút thuốc nhưng người dây, dáng đẹp. Bỏ thuốc là lại tăng 3-5kg. Có lần em cai thuốc được 1 tháng thì tăng gần 10kg, béo nứt béo nở, xấu khiếp. Cuối cùng chẳng có biện pháp nào giảm cân bằng hút thuốc lại. Giờ em sắp lấy chồng, về làm dâu, mẹ chồng tương lai mấy lần bắt gặp em hút thuốc, lườm lác mắt. Nhưng cái chính là em định có con, sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Mới bỏ thuốc được vài ngày đã thấy mặt phính ra, lại đang sợ” – chị Thảo tâm sự.
Bác sĩ giải thích những tổn thương phổi do tác hại của thuốc lá cho bệnh nhân. Ảnh chụp tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Diệu Linh
Anh Trần Huy Nghĩa (Nga Sơn, Thanh Hóa) cũng tăng 15kg sau 1 năm bỏ thuốc. Mà mỡ cứ tích vào bụng, tròn vo như cái trống. “Chưa chết vì thuốc lá đã muốn chết vì tăng cân quá. Mấy đứa bạn tôi cũng tăng sau khi bỏ thuốc nên lại hút lại. Nếu tôi không có cách gì giảm cân chắc cũng sẽ tái nghiện mất”.
Nghiên cứu của bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai (Bệnh viện Nhân dân Gia Định – TP.HCM) cho biết, sau 1 năm cai nghiện thuốc lá, có 37% người cai tăng dưới 5kg, 34% tăng từ 5- 10kg, 13% tăng trên 10kg. Tuy nhiên vẫn có 16% người cai sút cân. Bình quân, sau 1 tháng cai thuốc lá, 1 người sẽ tăng 1,1kg, sau 6 tháng tăng 4,3kg, sau 1 năm tăng 4,7kg.
“Mọi người có sai lầm đổ tại bỏ thuốc nên tăng cân. Trên thực tế, khói thuốc lá gây ức chế chán ăn nhưng đó chỉ chiếm phần nhỏ. Còn lại do chế độ ăn của mọi người “đầu vào” nhiều hơn “đầu ra”, ăn nhiều, ít vận động nên calo thừa tích lũy thành mỡ” – bác sĩ Mai cho biết.
Theo bác sĩ Mai, hút thuốc lá để giảm cân giống như “giết” bản thân một cách từ từ. Lúc bệnh trọng tàn phá cơ thể thì dáng đẹp cũng chẳng để làm gì.
Tài liệu của Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá (Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế) VINACOSH cho biết, có đến 70% người hút thuốc lá có ý định cai thuốc lá cho dù họ không thừa nhận điều đó. Tuy nhiên rất nhiều người cai thuốc không thành công nhiều lần, thậm chí đã bỏ thuốc 1-2 tháng lại tái nghiện trở lại. Lý do thường là sợ cai thuốc lá không thành công (chưa làm đã sợ), sợ không cưỡng nỗi cám dỗ của thuốc lá, sợ triệu chứng của hội chứng cai thuốc lá, sợ kích thích, bứt rứt, buồn bã, sợ mất hình ảnh trong mắt bạn bè và người thân. Trong đó, lý do sợ tăng cân sau cai thuốc cũng khá phổ biến.
Nhiều sai lầm trong giảm cân
Bác sĩ Mai cho biết, muốn giảm cân hiệu quả, mọi người cần thay đổi chế độ ăn uống như không uống nước có gas, ăn 2-3 bữa/ngày, tránh nhịn đói rồi lại ăn no, ăn cố; tránh các bữa phụ, tránh ăn đêm; không mua đồ ăn tích lũy trong tủ lạnh; không vừa ăn vừa xem tivi, hạn chế ăn tinh bột, ăn nhiều rau, nhiều chất xơ, ăn chậm, nhai kỹ (kể cả các loạt ngũ cốc, khoai tây, khoai lang…). “Nếu chỉ ngồi một chỗ mà hy vọng vừa có sức khỏe, vừa có dáng đẹp là điều không thể. Do đó, người dân nói chung và người cai thuốc lá nói riêng nên dành thời gian hút thuốc “đốt đời” để tập thể dục thì được lợi cả đôi đường” – bác sĩ Mai cho biết.
Theo bác sĩ Mai, một sai lầm nữa của người muốn giảm béo là ăn thật lực rồi lại tập thể dục ngay sau lúc nó để hy vọng “đốt cháy” toàn bộ lượng thức ăn vừa nạp vào. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, nồng độ acid béo giải phóng từ mô mỡ trong quá trình vận động ở nhóm vận động khi đói cao gấp 4-8 lần nhóm vận động khi no. Cụ thể, nhóm ăn no chỉ đốt được 89 calo sau khi vận động 15 phút còn nhóm đói “giải phóng” được tới 407 calo. Tương tự, vận động sau 90 phút, lượng calo được tiêu hao là 104 và 887…
Về các loại hình vận động có hiệu quả đốt năng lượng tốt nhất đứng đầu bảng là chạy càng có tốc độ cao lượng calo tiêu hao càng lớn, rồi đến leo cầu thang, tập tennis, đá bóng… “Để tiêu hao 100 calo bạn phải chạy với tốc độ 20km/giờ trong vòng 6 phút, leo cầu thang 7 phút, chơi đá bóng 14 phút, bơi 25 phút…” – bác sĩ Mai cho biết.
Theo các nhà khoa học của hai trường Đại học Harvard (Mỹ) và Erasmus (Hà Lan), tập Yoga khiến mọi người dễ cai thuốc lá hơn, đồng thời cũng không tăng cân nhiều sau khi bỏ thuốc. Nhóm nghiên cứu đã theo dõi 2.700 người có dấu hiệu mắc bệnh tim, mạch vành. Kết quả khảo sát cho thấy, những người tập yoga đều đặn sau 3 tháng đã giảm được khoảng 2,5kg, giảm lượng cholesterol, giảm áp lực máu và huyết áp nhiều hơn gấp 3 lần. Do yoga là sự kết hợp giữa việc điều hòa hơi thở, dẫn ôxy vào cơ thể và giảm stress, những yếu tố này đều đối nghịch với việc hút thuốc nên tập yoga giúp cai thuốc lá hiệu quả.