Muốn ăn thủy sản ngon, người tiêu dùng phải về tận nơi sản xuất để mua hoặc phải trả nhiều tiền để tới nhà hàng cao cấp là thực trạng của thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa. Điều này “đẩy” nhiều loại thủy sản ngoại dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng hơn.
Giá trong nước cao hơn xuất khẩu
Do xuất khẩu tôm mấy tháng đầu năm gặp khó nên người tiêu dùng trong nước mới được “hưởng”. Tại TP HCM, tôm sống nhảy lách tách được bán ở cả chợ cóc, vỉa hè và người bán không cần phải sắm bộ sục ôxy vì giá khá mềm, chỉ từ 110.000 -150.000 đồng/kg (tùy kích cỡ). Tôm vớt lên bán không kịp, ngộp chết thì người bán giảm giá để “chạy” hàng.
Hội chợ Thủy sản Vietfish 2015 diễn ra tại TP HCM trong tuần qua, những gian hàng có tổ chức bán lẻ đều rất đông khách. Những loại được khách chọn mua nhiều chủ yếu là mực một nắng, tôm khô, cá tẩm, mực tẩm, mực đông lạnh, cá thu, cá trích...
Chi phí vận tải, lưu thông và phân phối cao khiến sản phẩm thủy sản đến tay người tiêu dùng trong nước có giá cao hơn xuất khẩu.
Theo ông Vũ Khang, kinh doanh thủy sản tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), hàng ngon phần lớn được xuất khẩu. “Phần tiêu thụ nội địa thì những gì ngon nhất được ưu tiên cung cấp cho nhà hàng với giá cao không kém xuất khẩu nên người tiêu dùng có tiền muốn mua hàng ngon cũng không dễ. Chỉ khi vào mùa hoặc xuất khẩu gặp khó thì may ra người trong nước mới có thủy sản ngon để ăn” - ông Khang nói.
Ở vai trò nhà bán lẻ, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nhận xét kênh tiêu thụ nội địa chưa được các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản quan tâm nhiều, chỉ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy giảm kinh tế xảy ra, thị trường xuất khẩu thu hẹp, hàng rào kỹ thuật ngày càng nhiều thì các DN mới chú ý tới “sân nhà”.
“Chất lượng sản phẩm tiêu thụ nội địa chưa được nâng cao, đa phần là chất lượng đứng hàng thứ sau tiêu chuẩn xuất khẩu trong khi người tiêu dùng vẫn có nhu cầu ăn ngon, cụ thể là các mặt hàng thủy sản nhập khẩu giá trị cao vẫn bán chạy như cá hồi, cá trứng, cá saba...” - bà Thủy thẳng thắn.
Một nghịch lý được lãnh đạo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu ra là hiện sản phẩm thủy sản bán cho người tiêu dùng trong nước có giá cao hơn xuất khẩu. Đơn cử, giá cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu hiện chỉ 56.000-60.000 đồng/kg nhưng bán lẻ tại Hà Nội là 90.000 đồng/kg; cá tra cắt khúc đông lạnh cũng đã là 70.000-80.000 đồng/kg...
Gặp khó ở sân nhà
Theo ông Võ Thành Đô, Cục phó Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, giá trị thủy sản tiêu thụ nội địa năm 2014 đạt hơn 13.146 tỉ đồng, năm 2015 ước đạt 15.000 tỉ đồng với 4.000 cơ sở chế biến, tuy nhiên, phần lớn là ở quy mô hộ gia đình, chỉ có 140 DN.
Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Saigon Food, Phó Chủ nhiệm CLB Hàng nội địa thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - đánh giá hiện nhiều DN đã xem thị trường trong nước là kênh tiêu thụ chiến lược, còn trước đây chỉ là mảng “làm thêm” hoặc bán những lô hàng trả về.
Theo bà Lâm, nhờ sự phát triển mạnh về số lượng của kênh bán hàng hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi) mà thủy sản đông lạnh đang có cơ hội đột phá. “Khảo sát tủ đông của các hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM thì thủy sản đông lạnh chiếm 60%, kem 20%, rau củ 10%, bò gà 7%. Trong nhóm thủy sản đông lạnh thì 68% là thực phẩm tinh chế (sẵn sàng để ăn), 32% sơ chế (sẵn sàng để nấu) cho thấy xu thế tiêu dùng đang thay đổi, người tiêu dùng có ít thời gian để nấu ăn nên thích các sản phẩm tiện lợi” - bà Lâm phân tích.
“Vì nương theo kênh bán lẻ hiện đại, không có tiềm lực kinh tế để xây dựng kênh phân phối riêng nên nhiều DN phụ thuộc vào quy định thu mua của siêu thị. Các quy định này luôn theo hướng chiết khấu ngày càng cao, có siêu thị ngoại đòi chiết khấu đến 20%, thanh toán chậm và nhiều khoản thu không thể từ chối. Từ đó, dẫn đến việc những DN mới tham gia thị trường chấp nhận mức chiết khấu cao để vào được siêu thị nhưng không lường được việc chiết khấu cứ tăng mãi, không chịu nổi lỗ nên chỉ còn cách hạ chất lượng” - bà Lâm kể.
Theo TS Đinh Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, sự liên kết giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ còn lỏng lẻo và chưa hiệu quả. Đối với thủy sản đông lạnh, giá bán trong nước thấp hơn giá xuất khẩu nhưng do chi phí vận chuyển, bảo quản, quảng bá cao nên giá bán lẻ đến người tiêu dùng cao, khó cạnh tranh.
Lãnh đạo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối cho rằng cần thực hiện các biện pháp giảm chi phí lưu thông, giảm khâu trung gian, tổ chức liên kết trực tiếp với khâu bán lẻ sản phẩm để giảm giá bán phù hợp với thu nhập của người dân.
Hàng ngoại tấn công Việt Nam là nước có nguồn cung về thủy hải sản dồi dào và đa dạng nhưng gần đây có tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu. Không chỉ nhập để chế biến xuất khẩu, thủy sản nhập khẩu cho tiêu dùng cũng ngày càng nhiều. Tại các siêu thị, cá hồi, cá trứng, cá saba nhập khẩu đã quen thuộc với nhiều người tiêu dùng. Một chủ vựa chuyên kinh doanh thủy sản đông lạnh ở chợ Bình Điền cho biết riêng dòng hàng này mỗi đêm chợ tiêu thụ khoảng 50 tấn. Nhân viên Công ty Chế biến hải sản Lianyungang Haideyi Foods - Trung Quốc cho biết đã thâm nhập thị trường Việt Nam 1 năm qua bằng sản phẩm mực tẩm xé. Hàng được nhập chính ngạch qua một công ty có trụ sở tại huyện Bình Chánh, TP HCM và bán sỉ chủ yếu ở chợ Bình Điền (quận 8), chợ An Đông (quận 5) với lượng tiêu thụ khoảng 26 tấn/tuần và sắp tới còn có kế hoạch đưa hàng vào siêu thị. Nhân viên này cho biết giá bán lẻ mực tẩm xé là 180.000 đồng/kg, giá bán sỉ thì tùy vào lượng mua và chỉ báo giá cho những người có nhu cầu mua hàng. |