Từ 25.8, các trường đại học, cao đẳng bắt đầu xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Theo nhiều thí sinh, xét tuyển nguyện vọng bổ sung đã giảm được căng thẳng song nhiều trường lại lo lắng khi lượng thí sinh “ảo” sẽ tăng mạnh.
Ông Trịnh Minh Thụ, Phó hiệu trưởng kiêm Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Thủy lợi Hà Nội cho biết, đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung không cẳng thẳng như đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Tuy nhiên, trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung lần này, thí sinh có quyền được nộp cùng lúc 3 phiếu đăng ký xét tuyển vào 3 trường. Do đó, theo các chuyên gia, việc này không những khiến thí sinh phân vân trong việc chọn được ngành yêu thích mà còn gây nên tỷ lệ thí sinh “ảo” cực lớn.
Ông Thụ lý giải, hầu hết các trường top đầu và top giữa đều tuyển đủ chỉ tiêu nên việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung chủ yếu tập trung vào các trường top dưới, các trường ngoài công lập và một số ngành không “hot” ở các trường top giữa. Trong khi đó, chỉ tiêu ở các trường rất dồi dào, mặt bằng điểm chuẩn cũng không có nhiều đột biến so với năm 2014 khi đại đa số các trường đều nhận hồ sơ xét tuyển bằng mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT (15 điểm). Do đó, tình trạng thí sinh ảo trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ gia tăng gấp nhiều lần so với đợt xét tuyển nguyện vọng 1.
Thí sinh làm thủ tục xét tuyển nguyện vọng vào đại học
Trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, Phó hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi cảnh báo, thí sinh điểm cao (trên 20 điểm) nhưng vẫn có thể trượt ở nguyện vọng bổ sung.
“Với mức điểm này các em cần phải tính toán thật kỹ mới có cơ hội trúng tuyển vào các ngành phù hợp. Bởi số lượng thí sinh đạt mức điểm này rất nhiều trong khi chỉ tiêu của một số ngành mà các em yêu thích hạn chế”, ông Thụ cho hay.
Cũng theo ông Trịnh Minh Thụ, bên cạnh việc cân nhắc điểm số để “liệu cơm gắp mắm”, thí sinh cũng cần chú ý thêm đến vấn đề hướng nghiệp. Trên thực tế, có nhiều ngành hiện nay có vẻ không “hot” nhưng dễ tìm việc làm khi tốt nghiệp. Nếu vào học các ngành này, thí sinh sẽ không phải lo tình trạng thất nghiệp sau khi ra trường.
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Ánh, Phó giám đốc Học viện Tài chính Ngân hàng cho biết, năm nay phổ điểm cao, dàn đều nhưng mức điểm sàn Bộ GD-ĐT đưa ra (15 điểm). Mức điểm này thuận lợi cho các trường top dưới, đặc biệt là những trường đại học, cao đẳng mới thành lập sẽ lựa chọn được thí sinh. Hơn nữa, nhu cầu học đại học của hàng trăm ngàn thí sinh cũng cần được đáp ứng. Tuy nhiên, ông Ánh băn khoăn, trong xét tuyển nguyện vọng bổ sung vẫn có thí sinh đạt điểm cao bị trượt.
Ông Ánh cho biết, trường Học viện Tài chính Ngân hàng Hà Nội hiện có những thí sinh đạt 20, 21 điểm nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 vào trường do trước đó các em lăn tăn, lựa chọn nguyện vọng 1 nên bị trượt.
“Đặc biệt, những em điểm cao khi nộp hồ sơ vào trường, được các cán bộ tư vấn chọn ngành nhưng các em vẫn đang “lấn cấn" chọn trường. Nếu không tính toán cẩn thận có thể rớt nguyện vọng này”, Phó giám đốc Học viện Tài chính Ngân hàng Hà Nội cảnh báo.
Do đó, để tránh tình trạng điểm cao vẫn trượt, chuyên gia khuyến cáo thí sinh phải theo dõi thông tin tuyển sinh thường xuyên; theo dõi phổ điểm, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, tính toán kỹ, đảm bảo cơ hội trúng tuyển cao.
Ngoài ra, các trường cũng thành lập tổ công tác khiếu nại của thí sinh, các em có thể liên hệ giải đáp thắc mắc liên quan đến xét tuyển nguyện vọng bổ sung, tìm cơ hội vào đại học.