Và sau thời khắc đó, dường như lồng ngực người Hà Nội đã không ngừng hát vang những bản hành khúc yêu nước và cách mạng.
Cảm xúc thăng hoa
Điều tuyệt vời nhất là ngay trong ngày khởi nghĩa thành công, đã có một nhạc sĩ vừa đi trong đoàn biểu tình, vừa sáng tác ngay bản hành khúc trong cảm xúc thăng hoa. Đó là nhạc sĩ Xuân Oanh với hành khúc “19.8” để lại đời đời cho lịch sử. Từ sau ngày khởi nghĩa, ngày nào ở Hà Nội cũng vang lên “Cùng nhau đi Hồng binh” của Đinh Nhu, “Du kích ca” của Đỗ Nhuận, “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, “Chiến sĩ Việt Nam”, “Trường ca sông Lô” của Văn Cao.... Hay như những nhạc sĩ trong Nam như Lưu Hữu Phước, cùng bạn là Nguyễn Mỹ Ca viết ngay “Khúc khải hoàn”, “Lên đàng” và “Tiếng gọi thanh niên”.
Văn nghệ sĩ biểu diễn phục vụ các chiến sĩ trên đảo Phan Vinh (quần đảo Trường Sa) năm 1988. Ảnh: NGUYỄN VIẾT THÁI
Tiếp đến trong thời kỳ kháng chiến, khi Lương Ngọc Trác hùng tráng với “Trường chinh ca” thì Việt Lang lại luồn chất trữ tình vào nhịp hành khúc ở “Đoàn quân đi”. Ở Nam Bộ là “Tiểu đoàn 307” của Nguyễn Hữu Trí - Nguyễn Bính, rồi “Tầm Vu” của Đắc Nhẫn - Quốc Hương, “Du kích Ba Tơ” của Dương Minh Viên và đoạn hành khúc trong “Bình Trị Thiên khói lửa” của Nguyễn Văn Thương giục giã Trung Bộ quật cường. Cũng như thế, những đoạn hành khúc trong “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, “Sông Lô” của Văn Cao, “Du kích sông Thao” của Đỗ Nhuận cũng làm náo nức nhịp quân đi ở khắp các mặt trận.
Ở thời kỳ chống Mỹ, giữa lúc bom đạn giội ác liệt, nhưng âm nhạc Việt Nam lại có những tác phẩm giao hưởng, nhạc kịch... và là thời kỳ rực rỡ của hành khúc. Hành khúc Việt Nam đã góp thêm gương mặt mới mẻ của mình vào thể loại hành khúc, vừa hùng tráng, vừa trữ tình.
Không thể kể hết những hành khúc đã in đậm vào thập niên nóng bỏng này. Đó là Nguyễn Xuân Khoát với “Theo lời Bác gọi” (lời thơ Lê Kỳ Văn), Vũ Trọng Hối với “Bước chân trên dải Trường Sơn”, Nguyên Nhung với “Hành khúc không quân nhân dân”, Nguyễn Đức Toàn với “Hành khúc chiến sĩ thông tin”, Huy Thục với “Kèn xuất trận” (thơ Tô Đức Chiêu) và “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”...
Bên cạnh các nhạc sĩ quân đội, các nhạc sĩ ngoài quân đội cũng tấu lên những nhịp đi rực cháy ý chí chiến đấu. Đó là Lưu Cầu với “Miền Nam ơi chúng tôi đã sẵn sàng”, “Lửa căm thù rực cháy khắp hai miền”. Phạm Tuyên với “Bám biển quê hương”, “Chiến thắng Quảng Bình”. Hoàng Vân với “Bài ca pháo kích”, Hồ Bắc với “Trên đường Hà Nội”. Văn Dung với “Giải phóng quân ta ra đi”...
“Cơn mưa làm mát ruộng đồng”
Sau những khải hoàn ca của “Đất nước trọn niềm vui”, bắt đầu xuất hiện những giai điệu trữ tình như những cơn mưa nhỏ tưới vào đồng hạn thời chiến khô nẻ bao năm. Ca khúc Việt Nam bắt đầu mềm lại những cảm xúc yêu thương, da diết hơn như “Gửi nắng cho em” (Phạm Tuyên - thơ: Sơn Tùng); “Cung đàn mùa xuân” (Cao Việt Bách - thơ: Lưu Trọng Lư); “Mùa xuân đến rồi đó” (Trần Chung); “Mùa xuân đầu tiên” (Văn Cao); “Tình em biển cả” (Nguyễn Đức Toàn), “Biển hát chiều nay” (Hồng Đăng), “Nha Trang mùa thu lại về” (Văn Ký).
Cũng phải kể ra đây các ca khúc: “Tình ca trên những công trình” (Phó Đức Phương), “Trên công trường rộn tiếng ca” (Ngô Quốc Tính), “Tình ca Tây Nguyên” ( Hoàng Vân), “Em ở đầu sông anh cuối sông” (Phan Huỳnh Điểu - thơ: Hoài Vũ), “Làng quan họ quê tôi” (Nguyễn Trọng Tạo - thơ: Nguyễn Phan Hách), “Nhịp cầu nối những bờ vui” (Văn An - thơ: Phan Văn Từ), “Một mùa xuân” (Trần Hoàn - thơ: Thanh Hải), “Tàu anh qua núi” (Phan Lạc Hoa) và “Chiều trên bến cảng” (Nguyễn Đức Toàn) với hơi thở nhạc nhẹ …
Khi đại quân ta tiến vào Điện Biên Phủ thì bên cạnh “Hò kéo pháo của Hoàng Vân, Đỗ Nhuận đã bừng khởi một chùm hành khúc, mở đầu là “Hành quân xa”. Sau đó khi ta đánh Điện Biên Phủ là “Trên đồi Him Lam” và cuối cùng khi thắng lợi là “Giải phóng Điện Biên”. |