Hiệu quả lớn từ những món vay nhỏ
Gia đình Y Min Niê, buôn Dhung, xã Ea M’roh hiện đã có căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi cần thiết. Không chỉ thế, mới đây, Y Min còn tậu được chiếc máy cày để kiếm thêm thu nhập. Chừng 10 năm trước, gia đình Y Min nghèo lắm. Lấy vợ ra ở riêng, anh được bố mẹ cho 5 sào đất trồng cà phê. Vì không có vốn đầu tư nên vườn cà phê luôn còi cọc, ít trái.
Xét hoàn cảnh khó khăn của gia đình, chính quyền và phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã làm thủ tục cho Y Min vay 6 triệu đồng. “Số tiền ấy tuy không phải là lớn nhưng đối với tôi thì là cả một gia tài. Trước phải đi làm thuê, từ khi được vay vốn ưu đãi vợ chồng tôi tập trung chăm bón cho vườn cà phê của gia đình…”- Y Min thổ lộ. “Tích tiểu thành đại”, có thêm được nguồn vốn, mỗi năm gia đình Y Min đã có thêm được một khoản thu từ cà phê. Nguồn thu năm này, Y Min tích lũy đầu tư mở rộng vườn cà phê. Chịu khó làm ăn, biết tiết kiệm chi tiêu, Y Min đã khiến nguồn vốn vay “đẻ” thêm tiền. 3 năm trước, Y Min thoát được nghèo.
Chị H’Kia Kbuôr (buôn Dhung) phấn khởi bên vườn cà phê sai quả. Ảnh: Duy Hậu
Cùng buôn với Y Min có chị H’Yun Adrơng hiện cũng đã thoát nghèo nhờ vào nguồn vốn vay ban đầu của Ngân hàng CSXH. “Vay được vốn, được tập huấn kỹ thuật, vườn cà phê của nhà mình cho nhiều trái hơn trước kia rất nhiều, tiền bán cà phê mỗi vụ được nhiều hơn…”-chị H’Yun chia sẻ. Khác với anh Y Min, chị H’Yun Adrơng, mới đây chị H’Kia Kbuôr, buôn Dhung được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã đầu tư nuôi dê. “Mới nuôi có hơn nửa năm thôi, nhưng đàn dê nhà mình đã tăng thêm 6 con nữa. Thấy đàn dê tăng thêm, trong nhà ai cũng phấn khởi…”-chị H’Kia Kbuôr khoe…
Tạo điều kiện cho hộ mới thoát nghèo
"Hầu hết các hộ nghèo, cận nghèo của địa phương đều đã được vay vốn của Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ hiện đạt hơn 22 tỷ đồng. Cách đây 5 năm, số hộ nghèo cả xã chiếm hơn 50% thì hiện nay chỉ còn trên 20%. Có được kết quả này có một phần rất lớn từ sự tác động của nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH”. |
Tuy khẳng định hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi, song chị H’Mao, trưởng buôn Dhung vẫn bày tỏ: “Trên thực tế, những người thoát nghèo rất dễ bị tái nghèo. Chỉ cần rủi ro một chút, gặp lúc mất mùa, ốm đau là sẽ tái nghèo ngay. Vậy nên để người dân thoát nghèo bền vững, theo tôi, phía ngân hàng nên tạo điều kiện cho các hộ thoát nghèo vay thêm nguồn vốn ưu đãi một thời gian nữa”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Đỗ Thị Mến - Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Đăk Lăk, cho biết: “Trên thực tế thì có nhiều hộ đã thoát nghèo, thoát cận nghèo nhưng đời sống vẫn còn khó khăn. Nếu không có nguồn vốn cho vay tiếp thì các hộ này rất dễ tái nghèo, tái cận nghèo.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đề xuất và đã được Chính phủ nhất trí thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo. Theo đó, trong vòng 3 năm, sau thoát nghèo, cận nghèo, các hộ này sẽ được tiếp tục vay vốn ưu đãi. Chương trình này sẽ đáp ứng được mong mỏi của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đây là phương thức góp phần giảm nghèo bền vững…”.