Hết lòng với nghiệp
Với tình yêu chèo làng Khuốc (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, Thái Bình) nức tiếng tiếng gần xa, Nghệ nhân Hà Quang Ngạn (75 tuổi) dù đang mắc bệnh cảm lạc mất giọng nói, nhưng ông vẫn tận tình truyền dạy những động tác linh hoạt, uyển chuyển cho “diễn viên nhí” Phạm Thị Hằng mới 8 tuổi. Trò chuyện với nghệ nhân Hà Quang Ngạn mới thấy hết được sự gắn bó với nghệ thuật chèo nơi ông. Những làn điệu chèo cổ làng Khuốc đã ngấm vào máu cậu bé Ngạn từ lúc 11 tuổi.
Các nghệ nhân phường rối nước Hồng Phong (xã Hồng Phong, Ninh Giang, Hải Dương) biểu diễn tại Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: L.H.T
Chặng đường làm nghệ sĩ – nông dân đầy thăng trầm được ông nhớ lại: “Làm đời nghệ sĩ cơ cực, nhưng chúng tôi vẫn sống với nghề đến hơi thở cuối cùng. Trước đây khổ thế nào cũng chịu được, nhiều lần chẳng có gì bỏ bụng rồi ăn tạm củ khoai nướng nửa sống nửa chín vẫn tham gia diễn chèo suốt đêm”.
Cho đến nay, dù đã tham gia biểu diễn trên hàng chục sân khấu từ trung ương đến địa phương, tuy nhiên mọi khoản chi tiêu trong gia đình người nghệ nhân Hà Quang Ngạn vẫn chỉ trông chờ vào 6 sào ruộng do bà Quách Thị Miền (74 tuổi) – vợ ông chăm bón. Ông trầm ngâm: “Cô bảo bây giờ không làm lấy gì mà ăn? Nghề nghiệp không có, phải dựa vào ruộng đất là chính”. Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Có được danh hiệu nghệ nhân rồi ông vẫn chưa đủ sống sao?”, ông Ngạn mỉm cười buồn bã: “Không ăn thua, chỉ trông vào đó sao đủ sống được. So với các nghệ sĩ ở trung ương như Tự Long, Xuân Hinh... lại khác, bởi họ có thu nhập biểu diễn. Chúng tôi ở đây phải bám lấy đồng ruộng. Trong khi bà nhà tôi đi cấy, tôi không cấy được sẽ ở nhà nấu cơm. Ngoài ra bà nhà tôi còn tranh thủ đi cấy thuê, nếu cấy tích cực từ 5 giờ sáng đến 6 giờ tối cũng được 200.000 đồng trang trải thêm cho cuộc sống”.
Cũng một lòng gắn bó với ca trù, tên tuổi của Nghệ nhân dân gian Nguyễn Phú Đẹ (93 tuổi, ở Hải Dương) gắn với danh tiếng “cây đàn đáy số 1” Việt Nam. Hiện nay, cụ Đẹ sống cùng con gái thứ ba là bà Nguyễn Thị Trang. Nguồn thu trong gia đình cụ Đẹ phụ thuộc vào lời lãi của cửa hàng “thập cẩm” bán đủ thứ nào xôi, cháo, rau, củ, mắm muối… Mọi thành viên trong gia đình ai cũng phải tích cực làm lụng để có tiền sinh hoạt chung. Trải lòng với chúng tôi, cụ Đẹ cho hay: “Số tiền được tỉnh trợ cấp cho nghệ nhân là 1.000.000 đồng mỗi tháng cũng chỉ đủ tiền thuốc men. Đời nghệ nhân tôi nghĩ cũng cực! Chín mấy tuổi đầu mà vẫn sống nhờ cả vào con. Thôi thì năng nhặt chặt bị, bán được chục mớ rau cũng lãi 5.000 đồng để bù vào khoản tiền điện phải trả 600.000 đồng mỗi tháng”.
Vì tình yêu nghề, các nghệ nhân hiện nay đa phần ở tuổi "xưa nay hiếm” vẫn từng ngày tâm huyết truyền dạy nghề diễn cho thế hệ mai sau mà chẳng màng đến danh hiệu. Từng là trưởng phường rối nước Nguyên Xá (Đông Hưng, Thái Bình) suốt hơn 20 năm, Nghệ nhân Nguyễn Văn Ngữ (91 tuổi) tâm sự: “Mỗi lần có đoàn khách trung ương về địa phương, chúng tôi chẳng có gì thiết đãi ngoài “đặc sản” rối nước. Hai từ nghệ nhân cũng do người đời đặt cho người làm nghề, riêng tôi chẳng dám tự nhận mình là nghệ nhân. Đoàn rối được duy trì cũng vì sự gắn bó với nghề theo lời các cụ truyền dạy. Còn bảo vì đồng tiền, vì danh hiệu có lẽ tôi chẳng tham gia”.
Eo hẹp nguồn hỗ trợ
" Đời nghệ nhân tôi nghĩ cũng cực! Chín mấy tuổi đầu mà vẫn sống nhờ cả vào con. Thôi thì năng nhặt chặt bị, bán được chục mớ rau cũng lãi 5.000 đồng để bù vào khoản tiền điện phải trả 600.000 đồng mỗi tháng”. |
Thực tế cho thấy, ở nông thôn, nghệ nhân dân gian không sống được bằng nghề diễn hay tài năng của mình. Thế nhưng, vượt lên khó khăn, họ quyết tâm không để vốn quý của địa phương, của dòng tộc mai một. Điều đáng buồn là khi tìm hiểu về chính sách hỗ trợ dành cho nghệ nhân tại mỗi địa phương, chúng tôi hiếm khi nhận được câu trả lời tích cực.
Bà Nguyễn Thị Lý – cán bộ Văn hóa xã Dân Chủ (Tứ Kỳ, Hải Dương) cho biết: “Mỗi năm, câu lạc bộ ca trù được xã hỗ trợ một vài trăm nghìn tiền xe tham gia hội diễn. Riêng việc đãi ngộ cho nghệ nhân tại địa phương là chưa có vì xã nghèo, ngay cả hệ thống đường, trường, trạm không thu tiền của nhân dân để làm mà huy động từ các doanh nghiệp. Không có tiền nên cán bộ không dám hứa hẹn nhiều với các đội văn nghệ”.
Trong tình cảnh điều kiện kinh tế của địa phương còn hạn hẹp, kinh phí dành cho những hoạt động văn hóa – văn nghệ luôn xếp ở vị trí cuối. Trao đổi với chúng tôi, ông Quách Xuân Sáu – Trưởng ban Văn hóa xã Phong Châu (Đông Hưng, Thái Bình) cho biết: “Một năm ban văn hóa của xã chỉ có vỏn vẹn 7.000.000 đồng nhưng đủ khoản chi như: Xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa, giỗ tổ làng chèo… Để trợ cấp thêm cho nghệ nhân, xã hiện tại chưa có kinh phí, các cụ hoạt động vì tâm là chính. Có khi sau một đêm diễn tại địa phương, các cụ được động viên mỗi người... ăn 1 bát phở. Trong khi đó có nơi khác mời đội chèo biểu diễn hai tối là bằng tiền dành cho hoạt động văn hóa một năm của xã”.
Chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân là việc làm thiết thực để họ có điều kiện phát huy, lưu giữ lại vốn liếng nghệ thuật cho thế hệ tương lai. Tuy nhiên, đối với họ không phải được bao nhiêu tiền trợ cấp mỗi tháng, mà việc xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân hiện nay có thật sự mang lại hiệu quả và xứng đáng với tâm huyết các nghệ nhân bỏ ra. “Giờ tôi tiếc và sợ mất rối nước vì tiêu chuẩn xét nghệ nhân chưa thật thỏa đáng. Chủ trương của Đảng, Nhà nước rất tốt nhưng danh hiệu phải được lựa chọn một cách minh bạch, công bằng. Bởi có người hoạt động tâm huyết trong phường rối nhiều năm lại chẳng được gì. Trong khi đó có một số thành viên chưa thực sự xứng đáng lại đang chờ ngày danh hiệu trao tay” - ông Ngữ rầu rĩ tâm sự.
Nghệ nhân dân gian Trương Quang Hiến (81 tuổi): Gian nan giữ phong trào Mỗi năm, kinh phí hỗ trợ cho đội ca trù Cao La (xã Dân Chủ, Tứ Kỳ, Hải Dương) vỏn vẹn chỉ có 5 triệu đồng. Nếu mang số tiền ấy chia sẻ cho mỗi thành viên trong đội thì chẳng đáng là bao, nhưng là cả nỗ lực giúp đội văn nghệ tham gia hội diễn, bởi “có thực mới vực được đạo”. Nghệ nhân có sẵn lòng yêu nghề, dù không có đồng tiền cũng vẫn vui vẻ truyền nghề, giữ gìn hồn cốt của quê hương đến phút cuối đời. Tuy nhiên, chúng tôi lo cho lớp trẻ - thế hệ kế cận tiếp nối phong trào văn nghệ. Nếu sau này không có sự động viên, khích lệ thỏa đáng hoặc không có đất diễn cho ca trù thì e rằng khó giữ được phong trào. Nghệ nhân Hà Quang Tiết (81 tuổi): Không trợ cấp vẫn gắng duy trì Nghệ nhân không sống bằng tiền trợ cấp nên dù có hay không sự hỗ trợ, chúng tôi cũng vẫn duy trì phong trào. Trước đây, tôi tham gia làm nhạc công trong Đoàn chèo Thái Nguyên được 24 năm, sau đó tôi bị mất sức lao động nên được nghỉ hưu sớm. Tôi về quê hương làng Khuốc (xã Phong Châu, Đông Hưng, Thái Bình) cũng là lúc gia đình rơi vào tình trạng túng thiếu, con cái nheo nhóc, khó khăn nhất làng, nhưng rồi cũng vượt qua được. Ngoài làm nhạc công cho đội chèo Khuốc, tôi còn viết kịch bản chèo. Điều tôi mong muốn là những cống hiến, đóng góp của những người giữ gìn truyền thống quê hương sẽ được ghi nhận một cách công bằng và xứng đáng. Vì cuộc sống của họ đã chịu quá nhiều thiệt thòi. Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành – Trưởng phường rối nước Đông Các (Đông Hưng, Thái Bình): Khó sống được bằng nghề Các thành viên của phường rối nước đều là những người lao động, người buôn bán, người thợ xây, thợ mộc… Mục đích mọi người tham gia không phải để sống bằng nghề rối mà vì giữ truyền thống của quê hương. Một số nghệ nhân cao tuổi, tâm huyết vẫn gắn bó với nghề dù chẳng nhận được khoản trợ nào. Ví như cụ Phạm Viết Châm (81 tuổi) được dân làng gọi là nghệ nhân. Cuộc sống của cụ Châm hiện nay chủ yếu dựa vào con và 180.000 đồng tiền trợ cấp người cao tuổi mỗi tháng. Bản thân tôi gánh nặng hai vai vừa là cán bộ văn hóa vừa là người lãnh đạo phường rối, nhưng công cán chẳng màng tới. Chỉ hy vọng các cụ nghệ nhân sớm nhận được niềm an ủi lúc cuối đời. Nghệ nhân Nguyễn Bá Thắng - Phó phường rối nước Nguyên Xá (Thái Bình): Đi diễn lấy tiền mua con trò Năm nay giá thóc rất rẻ, có 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, các khoản chi phí cho nông nghiệp lại rất đắt đỏ như: Tiền đạm, lân, tiền công cày bừa… Tính ra tiền lãi mỗi vụ được 400.000 đồng chia đều cho 6 tháng, phải ăn tiêu tiết kiệm cho đủ. Hàng năm có nơi nào mời biểu diễn thì cả đội rối chúng tôi đến diễn, lấy tiền trích mua con trò. Có nơi xuống diễn cả buổi, mỗi nghệ nhân, diễn viên được có 100.000 đồng/ngày, đời sống vô cùng khó khăn. Lương Bùi (ghi) |